Nhiều chuyên gia dự báo, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng sẽ sôi động hơn trong 5 năm tới khi đề án tái cấu trúc ngành được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mạnh mẽ hơn.
Nhiều “ông lớn” vào cuộc
Các lực đẩy chính cho những thương vụ M&A trong ngành ngân hàng là chính sách tái cấu trúc hệ thống, việc nới “rum”sở hữu của nhà đầu tư ngoại và triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng (NH) Ernst & Young Việt Nam nhận định: Xu hướng M&A sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2014 với sự tham gia của nhiều “ông lớn” trong ngành.
Cụ thể đầu năm 2014, NH Phát triển Mekong (MDB) ra thông báo sẽ sáp nhập vào Maritime Bank. Ông Đào Trọng Khanh, Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank xác nhận với cổ đông rằng thương vụ sáp nhập với MDB đã đạt được các bước tìm hiểu, lên kế hoạch, xin chủ trương. Việc triển khai các bước tiếp theo chỉ còn chờ NHNN thẩm định và cho phép. Trước đó, trong tháng 3/2014, việc NH Phương Nam (SouthernBank) sáp nhập vào NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gây xôn xao thị trường. Dù có những tranh luận nhưng cuối cùng cổ đông hai NH đều đồng ý thông qua kế hoạch sáp nhập. Một số NH như Việt Á, Bản Việt, Đông Á tuy chưa có đề án cụ thể nhưng ít nhiều hé lộ về khả năng thực hiện M&A.
Chiều 1/8/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược trên các mặt quản trị, điều hành và hoạt động theo nhu cầu, khả năng thực hiện của mỗi bên. Trong ảnh: Nghi thức ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VCB và VNCB. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Theo các chuyên gia, việc nhiều NH công khai kế hoạch sáp nhập đã cho thấy, M&A trong ngành NH có những chuyển biến mới, không còn dừng ở mức độ mở rộng quy mô, giải quyết vấn đề thanh khoản mà đã tập trung vào cải thiện chất lượng tài sản, tháo gỡ dần quá trình sở hữu chéo.
Trong năm 2014, NHNN có thể xử lý 6 - 7 NH thông qua việc hợp nhất, sáp nhập. Từ năm 2011 đến nay đã có 9 tổ chức tín dụng bị buộc phải rút khỏi thị trường qua M&A, điển hình là Habubank, Tín Nghĩa - Đệ Nhất, Dai A Bank… |
Mới đây, Vietcombank đã lên tiếng sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu, nếu được NHNN đồng ý. Vietcombank đã khảo sát, đánh giá sơ bộ toàn bộ tài sản thế chấp của một, hai ngân hàng được NHNN gợi ý. Chính vì vậy, việc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Vietcombank vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược vào đầu tháng 8 vừa qua khiến nhiều người nghi vấn về việc VNCB sẽ sáp nhập với Vietcombank.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, thời gian qua, NHNN đã cho VNCB tự tái cơ cấu khi có cổ đông lớn tham gia, nhưng đến nay VNCB vẫn bộc lộ những khó khăn nhất định. Vì thế, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank hỗ trợ VNCB trong quá trình tái cơ cấu. Theo đó, Vietcombank sẽ giúp VNCB cấu trúc lại các hoạt động, xử lý nợ xấu và hỗ trợ thanh khoản nếu VNCB gặp khó khăn. Ngoài ra, Vietcombank sẵn sàng cử người sang VNCB để hỗ trợ trong quản trị rủi ro…
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, khả năng VNCB về với Vietcombank có thể xảy ra. Bởi chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cấu trúc và từng bước giảm số lượng ngân hàng bằng cách sáp nhập, hợp nhất ngân hàng vốn chủ sở hữu thấp hoặc gặp các vấn đề về tài chính. Trước đó, BIDV đã từng tham gia vào quá trình hợp nhất của 3 NH: Đệ Nhất, Sài Gòn, Tín Nghĩa.
Ở góc độ chính sách, NHNN đã đề ra mục tiêu giảm mạnh số lượng NH, từ 39 NH hiện tại xuống còn 15 NH trong hệ thống vào năm 2017. Trước mắt, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, chỉ riêng trong năm 2014, NHNN có thể xử lý 6 - 7 NH thông qua việc hợp nhất. Tuy nhiên, để quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đạt hiệu quả cũng phải có thời gian và đòi hỏi các ngân hàng phải nỗ lực rất lớn trong giai đoạn hậu M&A để tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vẫn lo nợ xấu hậu M&A
Trong 2 năm qua, các NH sau thời kỳ M&A đã có sự cải tổ mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, sau khi M&A ngân hàng SCB, tổng khối lượng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến nay đã đạt 6.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ xấu dưới ngưỡng an toàn theo quy định còn 3%. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng GĐ SCB cho biết, chính những kết quả đạt được nói trên đã giúp SCB dần khôi phục được hoạt động kinh doanh bình thường và mở rộng hoạt động kinh doanh như: phát triển sản phẩm mới, thậm chí mở rộng mạng lưới hoạt động ở một số tỉnh, thành ngoài TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Hà Nội. Điều đó cũng sẽ tạo tiền đề vững chắc cho SCB trong việc tái cơ cấu ở năm 2014 này.
Sắp tới Ngân hàng Martinbank sẽ sáp nhập với Ngân hàng Phát triển Mekong. Ảnh: Hải Yên |
|
Tương tự, SHB cũng dần giải quyết được khoản nợ xấu 1.800 tỷ đồng sau sáp nhập Habubank và đi vào ổn định. SHB đã nhận được sự hợp tác phát triển kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dầu khí, Xăng dầu, Điện lực, Tổng công ty Viễn thông, Hóa chất, Lương thực... Ngân hàng TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng sau 2 năm tái cơ cấu, đồng thời đạt mức lợi nhuận 500 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ xấu giảm từ 6,4% xuống còn 2,7% và số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần.
Tuy sức khỏe của nhiều ngân hàng hậu M&A đã hồi phục, nhưng theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nợ xấu vẫn là bài toán đau đầu với NH hiện nay. Bởi trước tình hình khó khăn, việc phát mãi tài sản thu hồi nợ rất khó. Nợ xấu đến cuối tháng 5/2014 vẫn chiếm hơn 4% tổng dự nợ tín dụng toàn ngành, dù VMAC đã mua được một số khối lượng nợ xấu khổng lồ 50.000 tỷ đồng từ các ngân hàng.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tài chính NH Ernst & Young Việt Nam, cho rằng NHNN cần xây dựng hành lang pháp lý và các cơ chế hoạt động cụ thể để hỗ trợ VAMC có thể tiến hành mua bán nợ theo giá thị trường một cách linh hoạt nhất. Hiện tại, về mặt thủ tục, VAMC nhận chuyển giao tới 45.200 tỷ đồng nợ gốc nhưng vẫn chưa có phương án xử lý nợ xấu rõ ràng.
Ngoài ra, theo bà Dương, nếu xem M&A là một trong những con đường ngắn nhất để các NH tự tái cơ cấu nhằm thoát khỏi khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, Chính phủ và NHNN cần hỗ trợ NH kịp thời linh hoạt bằng một số ưu đãi đặc biệt để kích thích NH tiến hành M&A. Ông Cao Sỹ Kiêm kiến nghị thêm, nếu các NH yếu kém có thể bán vốn cho đối tác ngoại thì sẽ càng giúp các NH yếu kém tái cơ cấu hiệu quả.
Về phía NH, để tiến trình M&A thành công, các NH cần có chiến lược kinh doanh phù hợp, giải quyết dứt điểm các tồn tại. Nhưng một chiến lược kinh doanh tốt, hiệu quả thường liên quan đến công nghệ, khả năng quản trị hoạt động, quản trị rủi ro tốt, nhân lực trình độ cao, chuyên nghiệp… Ngoài ra, ban lãnh đạo NH hậu sáp nhập cần biết vừa sàng lọc vừa tiếp thu, tận dụng ưu thế của hai NH để tạo dựng, giữ niềm tin đối với cổ đông, khách hàng. Đặc biệt, nếu NH chủ động và quyết tâm lành mạnh hóa hoạt động, minh bạch thông tin thì NH đó sẽ nhận được nhiều cơ hội từ M&A.
Hải Yên