Doanh nghiệp và ngân hàng phải tăng cường phối hợp

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với tháng 8/2013. Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng kiểm soát lạm phát ở mức thấp là cơ sở cho việc giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với TS Cao Sỹ Kiêm (ảnh) - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia xung quanh vấn đề này.

 

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian qua?


Trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ trương chính sách có từ rất sớm, có định lượng cụ thể như gói kích cầu bất động sản 30.000 tỷ đồng; gói tín dụng dành riêng cho nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghệ. Theo tôi, nhờ những giải pháp này tương đối trúng, kịp thời và triển khai từng bước có kết quả dần nên đến nay, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.


Tuy nhiên, có vấn đề tồn tại là những chính sách có tính định hướng trúng, đúng nhưng thực tế triển khai còn chậm, thậm chí có nội dung không phù hợp; sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ nên hiệu quả của các chính sách chưa đạt kết quả tương xứng so với yêu cầu đặt ra.

 

Lãi suất không còn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp khi vay vốn.Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Đơn cử về chính sách tiền tệ, tôi cho rằng, một trong những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ là giúp giảm dần lãi suất. Nhờ kiểm soát lạm phát tương đối hiệu quả, chỉ số giá 7%, 6% và năm nay ở mức 5%, thấp hơn so với dự kiến. Với chuyển biến tích cực của CPI là điều kiện thuận lợi để hạ lãi suất tiền gửi, vay, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn chi phí thấp để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tốt hơn.

 

Theo ông, việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay có tác động ra sao trong quyết định vay vốn của khách hàng?


Chắc chắn cùng với việc hạ lãi suất huy động thì các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất cho vay. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì lãi suất ngân hàng bắt buộc phải giảm. Nhưng thực tế có những khoản vay chưa thể giảm ngay được vì nợ cũ vẫn theo mức lãi suất huy động áp dụng trước đó. Còn với những khách hàng vay mới, tôi nghĩ chắc chắn được vay với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên lãi suất cho vay giảm bao nhiêu%và khả năng tiếp cận tín dụng còn phụ thuộc vào uy tín, sức khỏe tài chính của khách hàng.

 

Về nghịch lý là “tiền thừa, vốn thiếu”, có nhiều ý kiến cho rằng, đó là do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn yếu. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?


Theo tôi có ba lý do khiến dòng vốn chưa được lưu thông. Thứ nhất, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế do quy mô vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý yếu, năng lực sản xuất hạn chế cộng thêm sức mua co hẹp, sản xuất tồn kho nên khiến cho mặc dù lãi suất đã hạ nhưng vẫn ở mức cao với lợi nhuận làm ra hoặc ngang bằng lợi nhuận nên doanh nghiệp không mặn mà.


Thứ hai, dù cần kích thích cho vay, để tăng trưởng tín dụng nhưng ngân hàng vẫn phải giữ tiêu chuẩn vay để bảo đảm khả năng thu hồi vốn, để không thu hồi được vốn, nợ đọng cao thì ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó với doanh nghiệp có phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu hoặc nợ thuế thì ngân hàng rất sợ cho vay.


Nguyên nhân thứ ba là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, thuế, đầu tư, thương mại, ngân hàng chưa nhịp nhàng cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Ví dụ thủ tục thuế còn phiền hà, mức thuế chưa giảm nhiều trong điều kiện khó khăn như hiện nay cũng ảnh hưởng tới động thái vay của doanh nghiệp. Đó cũng khiến lý do tình hình lãi suất có chuyển biến, doanh nghiệp cần nhiều vốn nhưng vẫn không vay được.


Tuy nhiên, tôi cho rằng, lãi suất không phải vấn đề quyết định nữa. Hiện nay, quyết định vay vốn của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu tổng cầu. Sức mua kém, hàng tồn kho tăng thì cho dù hạ lãi suất nữa doanh nghiệp cũng không dám mạnh dạn hoặc bằng mọi giá vay vốn. Họ phải cân nhắc, tính toán rất kỹ trước quyết định vay vốn của mình. Ở góc độ ngân hàng có cho vay hay không còn phụ thuộc doanh nghiệp có đủ điều kiện không. Khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất khả quan, bán được hàng mới có dòng tiền và ngân hàng mới nhìn thấy được khả năng thu nợ. Nếu doanh nghiệp không bán được hàng, làm ăn thua lỗ mà ngân hàng vẫn cố cho vay thì sẽ làm tăng thêm nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Nên thời điểm này, việc hạ lãi suất cho vay chỉ góp phần tăng khả năng cho vay, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào tổng cầu, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

 

Ông đánh giá như thế nào về động thái các ngân hàng đang có xu hướng mở rộng cho vay tín chấp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng?


Tôi cho rằng, đây là một trong những nghiệp vụ tín dụng của bất cứ ngân hàng nào cũng đều đã thực hiện. Nhưng đối với cho vay tín chấp, khách hàng thường là doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, khả năng sinh lời cao và phải phát triển hiệu quả một cách vững chắc. Nếu chọn tiếp khách hàng để cho vay tín chấp, ngân hàng phải lựa rất kỹ và doanh nghiệp phải tạo lòng tin cho ngân hàng thì khả năng vốn cho vay tín chấp mới tăng.


Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 31/7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,68%, nhích nhẹ so với kết quả đạt được vào cuối tháng 6. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 12 - 14% mà NHNN đặt ra có vẻ xa vời. Ông có bình luận gì về điều này?


Tôi nghĩ rằng, trong năm nay tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 10%. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay thì mức tăng này vẫn có thể chấp nhận được. Để kích thích tăng trưởng tín dụng thì giải pháp chủ yếu là nâng cao sức mua. Sức mua được cải thiện, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên thì tổng cầu của nền kinh tế chắc chắn được kích lên. Để cải thiện sức mua, các đơn vị bán hàng chấp nhận hạ giá thành, song Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí giá bán qua việc giảm thủ tục hành chính phiền hà. Ví dụ, thời gian kê khai thuế là 100 ngày giảm xuống chỉ còn 50 ngày, tạo điều kiện thủ tục chuyển nhượng bất động sản...


Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp phải tăng cường làm việc phối hợp với nhau. Nếu ngân hàng chỉ ngồi chờ, không hỗ trợ mà để doanh nghiệp tự xoay sở thì họ khó có thể làm được. Như vậy, ngân hàng - doanh nghiệp sẽ không thể nào gặp nhau được. Và câu chuyện ngân hàng thừa vốn và doanh nghiệp vẫn khát vốn tiếp tục diễn ra. Song về phía doanh nghiệp cũng cần phải vươn lên với sự hỗ trợ của ngân hàng để đáp ứng được quy định, tiêu chuẩn về cấp tín dụng. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ kinh doanh và ít nhất phải bảo đảm an toàn vốn. Chính vì vậy, hai bên cần phải xích lại gần nhau, tìm hiểu chia sẻ với nhau nhiều hơn mới đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả được.


Xin cảm ơn ông!


Minh Phương (thực hiện)

Ngân hàng MHB ký thỏa thuận hợp tác với Saigon co.op
Ngân hàng MHB ký thỏa thuận hợp tác với Saigon co.op

Ngày 28/8/2014, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ngân hàng MHB và Liên hiệp hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon CO.OP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN