10 thành viên của “Đội xe ôm an toàn”, người lớn tuổi nhất là 56 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là 37 tuổi, trong đó quá nửa là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của các thành viên còn nhiều khó khăn.
Công việc chạy xe ôm là thu nhập chính để nuôi gia đình. Mỗi tháng thu nhập chưa đến 3 triệu đồng, thế nhưng với tấm lòng của mình họ sẵn sàng gác lại mọi việc của mình để giúp đỡ những người không may mắn.
Đội xe ôm an toàn ở thị trấn Định Hóa. |
Đã có thâm niên gần 5 năm tham gia “Đội xe ôm an toàn” huyện Định Hóa (Bắc Kạn), ông Nguyễn Văn Khánh, thư ký Đội xe ôm, đã quá quen với những cuộc gọi bất ngờ lúc nửa đêm về sáng. Đến nơi, nếu người gặp tai nạn bị thương nhẹ, thì anh giúp sơ cứu, rồi chở đi bệnh viện luôn. Những trường hợp nặng quá, không thể dịch chuyển, thì cầm máu rồi gọi xe cấp cứu của bệnh viện.
Năm 2009, Đội xe ôm an toàn được Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa thành lập, với mục đích cấp cứu ban đầu cho những người bị tai nạn giao thông, đuối nước, hỏa hoạn. Căn cứ vào điểm đón, trả khách của các tuyến xe buýt, xe khách chạy trên trục đường 264 và 268, Đội chia thành 2 nhóm để thuận tiện cho việc chạy xe ôm và kịp thời giúp đỡ người qua đường bị nạn. Một nhóm đóng tại ngã ba Quán Vuông nơi có tuyến đường Định Hóa - Tân Trào, nhóm khác đóng tại ngã ba tuyến Định Hóa - Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Ông Khánh giở lại danh sách những người bị tai nạn được Đội xe ôm cứu giúp. |
Anh Hoàng Văn Lưu, Đội trưởng Đội xe ôm an toàn cho biết: “Từ lúc tham gia vào đội, anh em chúng tôi đã giúp được 80 trường hợp bị tai nạn giao thông, nặng có, nhẹ có. Như anh Đào Trọng Hùng, thành viên trong đội, nửa đêm đi từ Định Hóa ra tới tận thị trấn Đu ở huyện Phú Lương, cách thị trấn Định Hóa hơn 30 km vì có người gọi cấp cứu. Chúng tôi ai cũng thành thạo các kỹ năng sơ cứu, trường hợp gãy tay, gãy chân, phải nẹp cố định, là anh em làm ngon lành”.
“Có lần, tôi nhận được cuộc điện thoại của người dân gọi đến giúp cấp cứu người bị tai nạn. Đến nơi, người gặp tai nạn bị thương quá nặng, máu chảy không ngớt. Trong lúc chờ xe cấp cứu, tôi cố gắng cầm máu đến ướt hết cả cái áo đang mặc, nhưng tai nạn nghiêm trọng quá, nên không thể cứu được. Nhìn chuyện đau lòng đó, tôi cũng thẫn thờ không nói nên lời, cuộc sống sao mong manh quá. Cả đêm tôi cứ ngồi trông người chết, chờ người nhà đến rồi mới trở về nhà”, xe ôm Hoàng Văn Minh kể lại.
“Từ khi thành lập đội đến nay, do kinh phí hạn hẹp nên Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa chỉ hỗ trợ ban đầu cho các thành viên mỗi người một cái áo đồng phục và một túi y tế sơ cứu. Còn lại anh em trong đội đều phải tự sắm bông băng, thuốc sát trùng để cứu người. Làm việc nghĩa nên họ cũng không nề hà gì”, chị Âu Thanh Thùy, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa cho hay.
Bài và ảnh: Minh Phúc