Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 31/5, Quốc hội đã thảo luận về ba dự án luật: Luật Hòa giải cơ sở, Luật Tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải cơ sở
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hòa giải cơ sở nêu rõ: Dự thảo Luật Hòa giải ở cơ sở đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án luật và đề nghị dự án luật cần nhấn mạnh quan điểm tăng cường xã hội hóa và chú trọng yếu tố tự nguyện, tự quản, tự quyết của nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; bổ sung quy định để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tính nhân văn trong cộng đồng dân cư.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về những nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Hòa giải cơ sở như: phạm vi điều chỉnh; phạm vi hòa giải cơ sở; tiêu chuẩn hòa giải viên; kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở...
Nhiều đại biểu đề nghị dự án luật cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải cơ sở. Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng: Dự thảo luật có đề cập đến vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong giải quyết hòa giải. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật chưa rõ nét, còn chung chung. Đại biểu lý giải, tổng kết 13 năm thực hiện pháp lệnh về hoạt động hòa giải cơ sở cho thấy, 80% các vụ hòa giải có sự đóng góp quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần mở rộng đối tượng hòa giải viên, bổ sung thêm quy định các tổ chức đoàn thể cũng được phép thành lập tổ hòa giải nhằm tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải.
Thảo luận Điều 7 của dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng: Ngoài đạo đức, uy tín, khả năng thuyết phục, hòa giải viên cần có hiểu biết pháp luật để có thể giải thích, thuyết phục các bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), quy định tiêu chuẩn hòa giải viên sẽ ràng buộc các hòa giải viên vào những kỹ năng quy định trong luật. Trên thực tế, vụ việc có hòa giải thành công hay không lại tùy thuộc vào kỹ năng, phương pháp riêng của từng người, mỗi người có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề khác nhau mà không cần bó buộc trong những quy định cụ thể.
Liên quan đến phạm vi hòa giải, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng điều 3 dự thảo luật đã mở rộng phạm vi hòa giải, tuy nhiên khó bao quát và liệt kê được hết các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong thực tế. Một số trường hợp có thể lợi dụng hoạt động hòa giải để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính. Đại biểu đề nghị điều 3 của dự thảo luật cần được quy định theo hướng loại trừ. Theo đó, chỉ quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở.
Tán thành với phương án bầu hòa giải viên, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), cho rằng dự thảo luật cần đơn giản hóa về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên; sửa đổi các quy định về tỷ lệ đại diện số hộ gia đình tham gia bầu, tỷ lệ ý kiến đồng ý khi bầu cho phù hợp với thực tế. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) giải thích thêm, phương án bầu hòa giải viên còn phát huy dân chủ ở cơ sở và người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên ở cơ sở, cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm và địa vị pháp lý của hòa giải viên.
Cân nhắc quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo
Dự án Luật Tiếp công dân trình Quốc hội cho ý kiến gồm 10 chương, 61 điều, quy định rõ về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.
Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu còn băn khoăn và cho rằng nhìn chung các quy định dự thảo Luật Tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Nguyễn Thị Bạch Vân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác cho rằng, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bởi mục đích chính của việc tiếp công dân là nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Do đó, các đại biểu này đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác.
Về phạm vi đối tượng áp dụng như trong dự thảo luật, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình), Đặng Thuần Phong (Đoàn Bến Tre)... cho rằng, quy định như vậy là quá rộng và dàn trải trong khi tính chất của hoạt động tiếp công dân của từng loại cơ quan, tổ chức, đơn vị lại có những đặc thù nhất định; yêu cầu, nhu cầu tiếp công dân cũng khác nhau.
Do đó, các đại biểu này đề nghị ban soạn thảo chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Không nên quy định trách nhiệm tiếp công dân của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, của đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản của Nhà nước, bởi vì các tổ chức, đơn vị này không trực tiếp tham gia quản lý nhà nước.
Phát triển một nền sản xuất nông nghiệp an toàn
Theo Tờ trình của Chính phủ, 10 năm qua, Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã thực sự góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh này đã bộc lộ một số hạn chế, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm quản lý hiệu quả hơn đối với lĩnh vực quan trọng này.
Góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Điều 9), một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, đại biểu Khúc Thị Duyền (Đoàn Thái Bình) đề nghị cần chuyển điểm c xuống cuối cùng của khoản 4, điều này.
Về thẩm quyền công bố dịch, nhiều đại biểu đồng quan điểm như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là việc quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở nước ta nhằm tính chủ động của chính quyền địa phương để huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch.
TTN
Đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội: “Nên mở rộng phạm vi hòa giải ở cơ sở”
Theo tôi, nên mở rộng phạm vi hòa giải cơ sở, trong đó bao gồm cả vấn đề về mâu thuẫn đất đai. Như tại Hà Nội, với tư cách đại biểu Quốc hội, số lượng đơn khiếu kiện liên quan đến đất đai tôi nhận được chiếm đến 60 - 70% đơn. Trong quá trình xử lý, tôi cũng nhận thấy có nhiều vấn đề dân không hiểu hết nội dung của luật. Nếu hòa giải cơ sở làm tốt vấn đề này sẽ bớt khiếu kiện vượt cấp, cũng như tranh chấp ở tòa. Làm tốt hòa giải cơ sở sẽ làm cộng đồng dân cư đoàn kết hơn.
Việc chọn hòa giải viên cơ sở theo tôi nên theo phương án chỉ định vì bầu sẽ rất khó. Đơn cử như việc triệu tập 2/3 đại diện số hộ ở tổ dân phố là rất khó, bởi thực tế người dân đi họp tổ dân phố không đầy đủ. Tuy nhiên, khi chỉ định thì phải theo nguyên tắc chọn người có uy tín trong dân cư, đây là yếu tố quan trọng trong hòa giải vì như vậy dân mới tin, mới bày tỏ khúc mắc. Từ đó hòa giải họ mới nghe. Tiêu chuẩn uy tín nên đặt lên hàng đầu vì nếu có giỏi luật đến mấy nhưng nói dân không nghe thì cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, mâu thuẫn đất đai rất phức tạp, nên để hòa giải thành công vấn đề đất đai, theo tôi còn phụ thuộc về trình độ và việc vận dụng luật của người hòa giải.
Vấn đề kinh phí nên tạo điều kiện hơn bởi việc hòa giải như vậy mất rất nhiều thời gian. Nên có hỗ trợ trong quá trình hòa giải. Các cơ quan quản lý địa phương nên tạo điều kiện về mặt kinh phí hoạt động trong hòa giải và hiệu quả cao hơn. Việc cấp kinh phí nên tính cả việc hòa giải không thành công, vì định nghĩa thế nào là hòa giải thành công rất khó, hơn nữa có những sự vụ kéo dài vài năm. -
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, đoàn Bắc Ninh: “Nên giao cho Mặt trận Tổ quốc giữ vai trò chủ trì”
Tôi ủng hộ hướng Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và chính quyền trong công tác hòa giải cơ sở bởi đây cũng là việc của nhân dân, tạo không khí yên ổn, đoàn kết trong xã hội.
Nguyên tắc hòa giải cơ sở là hoạt động tự nguyện, tự quản, nên ở cộng đồng dân cư tự hòa giải với nhau. Nếu giải quyết được với nhau thì cộng đồng cũng trở nên đoàn kết và từ đó mới tập trung vào phát triển kinh tế. Nhà nước không hành chính hóa vấn đề này, nên việc hỗ trợ là phù hợp. Người đi làm hòa giải cũng phải mất công đi lại nên ghi nhận đóng góp hòa giải viên, cần hỗ trợ một phần chi phí.
Phạm vi mở rộng hòa giải cơ sở theo tôi cũng tùy mức nhưng ở mức độ tranh chấp nhỏ là hợp lý. Ngay như việc bạo lực gia đình cũng có yếu tố hình sự nhưng cũng phải nghiên cứu cụ thể để có phương án hòa giải tốt nhất.
Xuân Cường (thực hiện) |