Kinh Xáng đổi thay

Từ một vùng quê không có điện, không đường giao thông, không nước sạch sinh hoạt... giống như một vùng cù lao trên đất liền, chỉ sau một thập niên, ấp Kinh Xáng, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Nhờ những chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc Khmer của Đảng, Nhà nước, đã biến Kinh Xáng trở thành vùng đất trù phú, được mệnh danh là “vành đai xanh” của TP Trà Vinh hôm nay...

 

Về thăm lại Kinh Xáng, chúng tôi chứng kiến con đường đất dọc theo bờ kinh xáng lầy lội độc đạo đi về ấp Kinh Xáng ngày nào, nay đã được tráng xi măng, rợp bóng cây bạch đàn. Đây là con đường được xã Hòa Lợi xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, nhằm thực hiện chương trình đưa hộ đồng bào Khmer nghèo ra vùng kinh tế mới tạo lập cuộc sống. Gia đình anh Kiên Ngươn, một trong những hộ đầu tiên thực hiện chủ trương của xã di dời ra vùng kinh tế mới, giờ đã có ngôi nhà thật khang trang, rộng 3 gian, trị giá gần 300 triệu đồng. Anh Ngươn cho biết: “Những năm đầu, sống ở đây vất vả lắm, không điện, thiếu nước ngọt, đường đi thì rất khó khăn. Mỗi khi muốn đi lễ chùa, đem rau màu ra chợ bán, tôi đều phải gánh gồng băng qua những đoạn đường trơn trượt. Giờ thì Kinh Xáng đã đổi thay, cuộc sống mới ấm no đã về. Những hộ bám trụ được ngay từ những ngày đầu, hầu hết đều cất được nhà kiên cố...”.


 

Đường bê tông ở ấp Kinh Xáng.

 

Với sự đầu tư của Nhà nước, hiện hệ thống thủy lợi Đông Tầm Phương mở rộng đưa nước ngọt về, xổ phèn, rửa mặn, vùng đất sản xuất khó khăn của Kinh Xáng đã được cải tạo tốt, cây màu trồng được quanh năm trên bờ kinh xáng, dưới chân ruộng. Cây lúa đã gieo cấy được 2 - 3 vụ/năm, cho năng suất bình quân 6 tấn/ha.

Vùng quê Kinh Xáng trở thành đất lành, nên ngày càng có thêm nhiều hộ đến đây định cư, sinh sống. Anh Kiên Nghinh, Trưởng ban nhân dân ấp, cho biết: “Kinh Xáng có 205 hộ, tất cả đều là bà con dân tộc Khmer. Năm 2005, ấp có 67 hộ nghèo nhưng nay đã đều thoát nghèo, trong đó 20 hộ đã cất được nhà kiên cố. Điển hình như các hộ Thạch Sáng, Sơn Sâm Bô, Kim Ưng, Kim Ngọc Sương, Thạch Dên, Kim Hai, Sơn Công... hầu hết đều là những hộ thuộc diện giãn dân, bắt đầu đi lên từ 2.000 m2 đất được Nhà nước cấp”.


Với anh Thạch Si Đết, ngôi nhà được xây kiên cố trị giá gần 200 triệu cũng là một ước mơ đã thành hiện thực. Khi bắt đầu cuộc sống mới tại đây, gia đình anh chỉ có 2 bàn tay trắng. Từ 2 công đất, giờ anh đã có đến 30 công, thêm cái nhà thật đẹp, con cái được học hành đến nơi đến chốn.


Cách nhà anh Thạch Si Đết không xa là mảnh đất rẫy rộng 8 công của anh Sơn Công đang lên líp chuẩn bị trồng hành. Anh Công là người đầu tiên sống trên vùng đất Kinh Xáng. Năm 1976, anh Công vào đây cất một cái chòi để giữ trâu và đi cày mướn, trồng màu trên 2 công đất nhà. Nhờ trồng màu, anh tích lũy mua được hơn 10 công ruộng và thuê thêm 5 công đất gần kinh để trồng màu. Thời điểm năm 2007, anh mạnh dạn bỏ ra 8 triệu đồng để lên líp và chỉ sau 2 năm trồng các loại rau màu, anh đã thu về trên 100 triệu đồng. Nếu như cách đây 10 năm, Kinh Xáng chỉ có ít mảnh đất được trồng màu thì bây giờ ai ai cũng chuyển đổi trồng màu vì thấy hiệu quả cao từ cây màu đem lại. Tính đến nay, đồng đất Kinh Xáng đã có gần 80 ha được chuyên canh rau màu, đem lại thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng/ha/năm cho người dân.


Không còn nặng nỗi lo cái ăn, người dân Kinh Xáng giờ đang dấy lên phong trào thi đua xây nhà mới, chăm lo cho con cái ăn học. Chỉ tính trong 3 năm qua, toàn ấp Kinh Xáng đã có hơn 20 con em ở địa phương vào đại học. Nói vui như lời của Trưởng ban nhân dân ấp Kiên Nghinh: “Ngày trước Kinh Xáng được gọi là ấp 3 không (không đường, không điện, không nước sạch), nhưng nay được đổi lại gọi nơi "không khó mà lại lắm lo". Bà con lo để mình có cuộc sống sung túc, lo cho con cái được học hành đàng hoàng và lo sống sao có tình có nghĩa để cùng nhau xây dựng xóm ấp yên vui hơn, hạnh phúc hơn...”.


 

Bài và ảnh: Phúc Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN