Những băn khoăn của giới trẻ về môi trường, mục đích học tập; kỹ năng, ý thức trách nhiệm trong cuộc sống đã được đưa ra thảo luận khá sôi nổi tại hội thảo “Nâng cao kỹ năng sống: Sống Trung thực - Sống trách nhiệm - Sống nghị lực” diễn ra ngày 11/3 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Hội thảo do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) - Ban Thanh Thiếu niên VTV6, báo Thanh Niên, Tập đoàn Hoa Sen phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức.
Hội thảo đã thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. |
Rào cản của sự tự giác
Đoạn video clip trình chiếu tại hội thảo về vụ tai nạn ở phố Xã Đàn, quận Đống Đa (Hà Nội) xảy ra vào tối 3/3 đã khiến người xem có nhiều điều phải suy ngẫm. Tài xế ô tô sau khi gây tai nạn nghiêm trọng khiến nạn nhân là nữ sinh viên Đại học Ngân hàng (Hà Nội) rơi vào tình trạng hết sức nguy kịch đã không dừng lại để cứu nạn nhân mà lại có hành động tháo chạy, bỏ mặc người bị nạn.
Báo chí có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc xây dựng các hình tượng tốt trong xã hội, qua đó góp phần động viên, khuyến khích phát triển điều tốt đẹp, hạn chế, đẩy lùi cái xấu. Cùng với đó, báo chí cần có sự công bằng trong thông tin, chú ý cung cấp các thông tin bổ ích, thiết thực cho mọi người. Hai vấn đề báo chí cần quan tâm đó là trung thực và trách nhiệm trong thông tin, tuyên truyền qua đó góp phần xây dựng một xã hội trung thực, trách nhiệm.
Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Duy Truyền |
Dẫn chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan (VTV) đã đưa ra nhiều câu hỏi: Lý do nào mà tài xế trên đã không có những nhận thức đúng đắn là phải dừng xe lại và xem tình trạng bệnh nhân ra sao khi tai nạn xảy ra? Có phải tinh thần họ bấn loạn nên đã không tỉnh táo để xử lý hậu quả hay đây là sự chủ ý thể hiện một thái độ sống thiếu trách nhiệm, thậm chí là nhẫn tâm?... Những câu hỏi được nhà báo Tạ Bích Loan nêu ra là cơ hội để mọi người cùng thảo luận về thái độ, ý thức và trách nhiệm của con người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là giới trẻ.
Vậy làm thế nào để giúp giới trẻ sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực với bản thân và xã hội? Theo Nhà giáo ưu tú. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đang tồn tại nhiều nguyên nhân rào cản khiến giới trẻ thiếu tính tự giác, tính chủ động. Thứ nhất, công tác quản lý xã hội của Việt Nam tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Xã hội cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn như tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, chất lượng xây dựng không đảm bảo... ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân và nhận thức của giới trẻ.
Về sự nhận thức của giới trẻ, đại diện Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: Giới trẻ ngày nay có điều kiện sống vật chất tốt hơn nhưng áp lực cạnh tranh cũng gay gắt. Hơn nữa, những cám dỗ của cuộc sống ngày nay cũng nhiều hơn khiến cho nhiều thanh niên không vượt qua được và dẫn tới sa ngã. Một bộ phận giới trẻ vẫn chưa có đủ trình độ năng lực và bản lĩnh để tự tin khẳng định bản thân, sống trung thực, sống nghị lực, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Truyền thông để xây dựng hình tượng tốt
Nói về vai trò các phương tiện truyền thông trong việc cổ vũ giới trẻ sống có nghị lực, trung thực và trách nhiệm, bà Bùi Thu Thủy, Phó Trưởng ban Thể thao giải trí và thông tin kinh tế (VTV) cho rằng: Con người bản chất là hướng thiện, mong được làm điều tốt. Tuy nhiên, những hành động gần đây của một số người lại không thể hiện điều này. “Nguyên nhân là do môi trường xã hội ngày nay có những thay đổi rất nhanh chóng và tác động tới nhiều mặt tới giới trẻ, trong đó, có những tác động tích cực và tiêu cực. Bên cạnh đó, truyền thông để xây dựng hình tượng tốt trong xã hội cũng chưa đủ sức mạnh”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nhìn lại vụ việc người lái xe đâm một cô gái rồi bỏ chạy, bà Thủy cho rằng, nếu truyền thông chỉ đưa về phản ứng tiêu cực của người lái xe và những phản ứng giận dữ của người chứng kiến vụ việc thì chưa đủ. “Quan trọng hơn là từ vụ việc này, giới truyền thông phải đưa ra những thông điệp để người dân và nhất là giới trẻ có ứng xử đúng, trách nhiệm và trung thực. Nếu bạn lái xe, bạn vô tình gây tai nạn, bạn cần phải làm gì? Người lái xe đã không có hành động đúng đắn có thể vì lúng túng và hoảng sợ và cũng có thể là vì đã không được giáo dục tốt về việc sống trung thực và có trách nhiệm. Giới trẻ ngày nay thậm chí được tiếp cận với những hình tượng xấu nhiều hơn là những hình tượng tốt”, bà Thủy đánh giá.
Một số chuyên gia cho rằng: Báo giới có sức truyền thông, lan tỏa thông tin mạnh mẽ về những nhân vật, tấm gương tích cực; việc làm tốt hay những con người có hoàn cảnh bất hạnh nhưng vẫn vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, cần tăng cường truyền thông về xây dựng hình tượng tốt để có tác động tích cực đến giới trẻ.
“Giới trẻ ngã ở đâu thì hãy để các em đứng lên từ đó. Sự trưởng thành chỉ có được khi người trẻ trải nghiệm để tự nhận thức về cuộc sống và có tinh thần vượt qua khó khăn, thử thách”, tiến sỹ Lâm kể về kinh nghiệm giáo dục của mình.
Ông Giản Tư Trung, Người sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cũng cho rằng, việc giúp mỗi cá nhân hình thành ý thức tự giác cần được thực hiện từ nhỏ.“Khi đã hình thành được ý thức tự giác, con người sẽ biết cách sống có trách nhiệm, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống trước khi đòi hỏi sự giúp sức từ xã hội, những người xung quanh,” ông Trung nói.
Minh Phương