Quân khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mở các cuộc tấn công mới nhằm vào thành phố chiến lược Kobane (Syria), chỉ ít giờ sau khi lực lượng người Kurd tại đây tuyên bố đã nhận được vũ khí do các máy bay vận tải quân sự của Mỹ thả xuống.
IS tấn công từ mọi hướng
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) ngày 21/10 cho biết, quân IS đã tấn công thành phố “từ mọi hướng”; với các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra từ tối ngày hôm trước. IS đã cho tăng cường viện binh từ Jarablus (Syria) tới phía tây Kobane, đồng thời tiếp tục mở các cuộc pháo kích vào trung tâm thành phố. Chiến sự xảy ra ngay sau khi IS tuyên bố sẽ chiếm bằng được Kobane, bất chấp những cuộc không kích dồn dập của Mỹ và liên quân.
Các cuộc không kích của Mỹ và liên quân ở Kobane hôm 20/10. Ảnh: AFP |
Ở bên kia chiến tuyến, người Kurd tại Syria đánh giá cao việc được Mỹ trợ giúp vũ khí, trang bị. Redur Xelil, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ người Kurd ở Syria (YPG) nói rằng, nguồn hỗ trợ này sẽ có tác động động tích cực trong cuộc chiến chống lại chiến binh IS.
Trong khi đó, đã xuất hiện thêm yếu tố tích cực giúp người Kurd không để Kobane “thất thủ’. Phát biểu trước báo giới ngày 20/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng, nước này đồng ý để các chiến binh Peshmerga - phái vũ trang người Kurd ở Iraq, được quyền vượt biên giới Thổi Nhĩ Kỳ, sang chiến đấu chống IS ở Kobane. Ông Cavusoglu cũng nhấn mạnh, Ankara tuyệt nhiên không muốn thành phố này rơi vào tay quân khủng bố. Đây được xem là bước “chuyển” trong chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi liên minh quốc tế liên tục yêu cầu Ankara đảm nhận vai trò tích cực hơn nữa trong cuộc chiến chống IS.
Nhiều diễn biến ngoại giao
Phát biểu trước báo giới rạng sáng ngày 21/10 (giờ Việt Nam), Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nói rằng, Washington đánh giá cao tuyên bố của Ngoại trưởng Cavusoglu, đồng thời hối thúc chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mở rộng sự hỗ trợ này đối với YPG - cánh vũ trang của Liên đoàn dân chủ người Kurd (PYD). Theo bà Harf, đây là việc làm cần thiết, vì YPG là lực lượng trực tiếp cầm súng chống lại IS và “PYD hoàn toàn không phải là tổ chức khủng bố” - theo quan điểm của Mỹ. Phát biểu trên của bà Harf được đưa ra trong bối cảnh PYD cho rằng sự sự điều chỉnh của Ankara chỉ mang tính biểu tượng, nhằm mục đích tuyên truyền vì trên thực tế các chiến binh người Kurd ở Iraq sẽ khó có thể đổ sang Kobane, khi mà họ còn phải đối mặt với IS tại nhiều điểm nóng khác trên lãnh thổ Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hối thúc các nước châu Á tham gia vào cuộc chiến chống IS. Phát biểu tại Jakarta nhân chuyến thăm Indonesia dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Joko Widodo, ông Kerry bày tỏ: "Sẽ là vô trách nhiệm” nếu không giúp người Kurd chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan, giữ quyền kiểm soát tại Kobane của Syria. Ngoại trưởng Mỹ nhìn nhận, việc Mỹ thả vũ khí xuống cho người Kurd không phải là một sự thay đổi chính sách, chỉ là một “nỗ lực tức thời” khi mà tình hình đã ở trạng thái “nguy cấp".
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Haidar al-Abadi ngày hôm qua đã có cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trọng tâm là bàn về cuộc chiến chống IS khi mà chiến sự đã áp sát biên giới Iran. Iran luôn thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Iraq trong cuộc khủng hoảng này và là nước đầu tiên gửi vũ khí tới lực lượng người Kurd chống lại quân khủng bố IS.
Hoài Thanh