Ngày 11/11, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết vùng đất xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia. Phán quyết của ICJ là bắt buộc và không được kháng cáo.
Người dân Campuchia đào hầm đề phòng xung đột xảy ra sau phán quyết của ICJ (Ảnh chụp ngày 11/11). Ảnh: AFP/TTXVN |
Thẩm phán Peter Tomka diễn giải phán quyết của ICJ năm 1962 quy định "Campuchia có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực đền Preah Vihear", do đó Thái Lan "phải rút tất cả các lực lượng quân đội hoặc cảnh sát cũng như các lực lượng canh giữ và bảo vệ khác khỏi vùng lãnh thổ đó".
Trong phán quyết năm 1962, ICJ khẳng định ngôi đền Preah Vihear 900 năm tuổi ở biên giới giữa Campuchia và Thái Lan này thuộc về Campuchia, nhưng không nói rõ về vùng đất xung quanh, vì vậy cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với khu vực rộng 4,6 km2 xung quanh đền. Kể từ sau khi ngôi đền cổ này được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2008, đụng độ đã xảy ra nhiều lần giữa binh sĩ hai nước ở khu vực biên giới này gây thương vong cho cả hai bên. Tháng 4/2011, Campuchia đưa vụ kiện về vùng đất tranh chấp lên ICJ.
Cùng ngày Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bày tỏ hài lòng với phán quyết nói trên: “Đây là một cột mốc nữa trong lịch sử Campuchia. Nó chứng tỏ những nỗ lực của chính phủ Campuchia trong việc giải quyết tranh chấp với Thái Lan một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế”.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng tuyên bố "hài lòng" với phán quyết của ICJ, cho rằng phán quyết này phần nào "có lợi" cho Thái Lan. Theo đó, ICJ đã không xem xét khiếu nại của Campuchia về vùng đất bao quanh ngôi đền.
TTG