Thời gian gần đây, có thông tin Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam ngược đãi bệnh nhân là mẹ liệt sỹ, gây bức xúc dư luận. Ngày 26/7, Giám đốc bệnh viện Lê Quang Minh đã khẳng định, các bác sĩ của bệnh viện đã tiếp đón, điều trị cho các mẹ liệt sỹ đúng mực, tận tụy.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. |
Ông Minh cho biết, Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện rất bất ngờ trước thông tin bệnh viện ngược đãi bà Phạm Thị Kiến, 100 tuổi, trú tại thôn Phú Viên, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) khi để bệnh nhân nằm trên ghế, trong khi các phòng khác của khoa còn giường. Sau đó, tiếp tục có thông tin trường hợp mẹ liệt sỹ Phạm Thị Định, 89 tuổi, trú tại Lê Lợi, Châu Sơn, Phủ Lý (Hà Nam) được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, nhưng không được cấp cứu mà lại chuyển lên khoa Nội 2 và bệnh nhân phải trả một phần viện phí.
Về bệnh nhân Phạm Thị Kiến, bác sỹ Vũ Ngọc Tú, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc cho biết, khoa tiếp nhận bệnh nhân Phạm Thị Kiến lúc 9 giờ 30 phút ngày 22/6 (được chuyển lên từ khoa Cấp cứu), Khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc đã thực hiện đúng quy trình, quy chế điều trị. Hiện, bệnh nhân đã xuất viện. Trong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Phạm Thị Kiến ghi rõ, bệnh nhân nhập viện, vào khoa Cấp cứu lúc 21 giờ 30 phút ngày 20/6 trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa nặng, toàn thân mệt mỏi. Tại đây, bệnh nhân được bố trí giường nằm, chế độ theo dõi cấp cứu, làm các xét nghiệm cấp cứu theo quy định. Trong 2 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã được truyền hơn 1 lít máu, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến khá, tạm ổn định. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu - Chống độc ở tầng 2 bằng cáng. Lúc đó, khoa có 23 giường bệnh nhưng có tới 26 bệnh nhân nhưng do bệnh nhân Phạm Thị Kiến tuổi cao, sức yếu nên khoa đã sắp xếp, bố trí lại giường bệnh để bệnh nhân Phạm Thị Kiến có giường nằm. Thời gian sắp xếp mất khoảng hơn 1 giờ. Trong thời gian đó, bệnh nhân vẫn được truyền dịch và được các bác sỹ thăm khám, chăm sóc. Bệnh nhân được nằm ở trên cáng thẳng, có nệm chứ không phải là nằm trên ghế như thông tin sai lệch nêu.
Ông Nguyễn Hữu Lành, con bệnh nhân Phạm Thị Kiến cho biết, mẹ ông chỉ nằm cáng để điều trị trong khoảng hơn 1 giờ do lúc đó rất đông bệnh nhân. Ông Lành khẳng định, trong quá trình điều trị, thái độ của các thầy thuốc trong khoa đúng mực, tận tụy.
Còn với bệnh nhân Phạm Thị Định, nhập khoa Cấp cứu lúc 21 giờ ngày 18/6 do đau đầu, chóng mặt. Kíp trực đã khám và chẩn đoán bệnh nhân bị tăng huyết áp độ III và chuyển khoa Nội 2 (chuyên khoa Tim mạch) để theo dõi, điều trị tiếp. Tại khoa Nội 2, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Sau 3 ngày điều trị, chỉ số huyết áp của bệnh nhân trở lại bình thường và bệnh nhân đã ra viện ngày 25/6.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam khẳng định, quá trình tiếp nhận, chuyển khoa điều trị cho bệnh nhân là đúng quy trình, quy chế chuyên môn. Việc bệnh nhân phải trả một phần viện phí là do bệnh nhân thuộc đối tượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nơi đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Phủ Lý, nên theo nguyên tắc phải có giấy chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Phủ Lý, trừ trường hợp là bệnh lý cấp cứu. Trường hợp của bệnh nhân Phạm Thị Định khi vào khoa Cấp cứu, sau khi khám lâm sàng, làm điện tim và trong suốt quá trình điều trị theo dõi lâm sàng và cận lâm sàng tại khoa Nội tim mạch cho đến khi ra viện cũng không phát hiện có tình trạng bệnh lý cấp cứu. Vì vậy, bệnh nhân là đối tượng điều trị "vượt tuyến", do đó phải chi trả một phần viện phí theo quy định của khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bài và ảnh: Đức Phương