Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Yên Bái

Sau hơn 8 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, bộ mặt nông thôn của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân ngày được cải thiện.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về thực hiện các tiêu chí như: môi trường, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo. 

Chú thích ảnh
Người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Theo ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Yên Bái là một tỉnh miền núi, với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, bà con dân tộc còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Vì vậy, một trong những tiêu chí được đánh giá khó đạt trong quá trình xây dựng nông thôn mới là tiêu chí môi trường, tiêu chí này gây khó khăn đối với cả những xã đã đạt chuẩn và xã đang xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện nay, tình trạng môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người gây ra như chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; những địa phương ở vùng sâu, vùng xa bà con dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên thả rông gia súc, vứt rác thải bừa bãi, không có hệ thống công trình vệ sinh, hố rác, đặc biệt là bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật; còn ở các khu đông dân cư, đô thị hệ thống cấp, thoát nước chưa được đồng bộ và đầu tư…

Do vậy, tiêu chí môi trường là một tiêu chí khó, không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà cần phải có thời gian, sự kiên trì vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức, thói quen cũ, không nên nóng vội, chạy theo thành tích.

Ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, Suối Giàng là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, việc xây dựng tiêu chí môi trường xã còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, với nhiều nếp sống lạc hậu. Hầu hết các hộ gia đình đều vứt thải sinh hoạt bừa bãi, chưa có thùng rác tự xử lý, người dân còn chăn nuôi lợn, gia súc thả rông, không có chuồng trại.

Ngoài ra, xã còn gặp khó khăn xây dựng vị trí khu xử lý rác thải tại trung tâm. Trước mắt, xã đang vận động người dân từng bước thay đổi thói quen cũ, mỗi gia đình có một thùng rác hoặc hố xử lý rác thải; xã thường xuyên huy động công chức, nhân viên xã và đoàn viên thanh niên thu gom rác thải, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống.

Chú thích ảnh
Trồng quế kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, đã giúp người dân nâng cao thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới.

Một tiêu chí khó có thể thực hiện trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí thu nhập, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái chiếm hơn 56% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sống quần cư, xen kẽ; trình độ kinh tế - xã hội không đồng đều giữa các dân tộc, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt từ 36 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, nhiều xã trong tỉnh mặc dù đã áp dụng khoa học kỹ thuật đưa các mô hình mới vào sản xuất, chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, mức thu nhập của người dân chỉ đạt khoảng hơn 20 triệu đồng.

Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng là một tiêu chí khó đạt, bởi một số thôn, xã trên địa bàn tỉnh vừa sáp nhập lại với nhau, khi sáp nhập nhà văn hóa không đủ diện tích, chỗ ngồi để phục vụ bà con nhân dân tham gia sinh hoạt. Tiêu chí về hộ nghèo cũng là một bài toán khó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn cao với trên 37.600 hộ dân, chiếm tỷ lệ 17,68%, chủ yếu ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Yên Bái có 157 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới; trong đó, hết năm 2018, toàn tỉnh có 48 xã hoàn thành 19 tiêu chí, chiếm 30,57%; 7 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí, chiếm 4,46%; 25 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, chiếm 15,92%; 77 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, chiếm 49,05%. Toàn tỉnh không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Ông Nhâm Xuân Trường cho biết thêm, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc với những tiêu chí khó đạt, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các buổi tình nguyện thu gom rác thải; tuyên truyền, vận động người dân hạn chế vứt rác thải bừa bãi, chăn thả gia súc trong khu dân cư, khuyến khích mỗi hộ gia đình xây dựng một hố xử lý rác thải…; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời, tỉnh lồng ghép chương trình xây dựng nông mới với các chương trình, dự án khác như chương trình 135, 130, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; xây dựng đề án mỗi xã một sản phẩm, phát huy 10 sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh đẩy mạnh phát triển cây trồng mũi nhọn như quế, cây ăn quả có múi, dâu tằm, chè, sơn tra, để tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, tạo sự chuyển biến, nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường sống, thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Bài và ảnh: Đinh Thùy (TTXVN)
Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 376/QĐ-TTg công nhận thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN