Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT - NHNN.
Chuẩn bị vốn trung, dài hạn
Để hút khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động 0,2 - 0,3% ở nhiều kỳ hạn. Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, kỳ hạn 5 - 12 tháng có mức lãi suất là 5,5%/năm, tăng 0,3% so với áp dụng từ 24/5. VPBank cũng điều chỉnh tăng lần lượt 0,2% và 0,1% đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%/năm.
Doanh nghiệp mong lãi suất giảm trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Còn Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng điều chỉnh lãi suất huy động ở kỳ hạn 3 tháng với mức tăng từ 5%/năm lên 5,1%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,5%/năm. Một số ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)... cũng rục rịch điều chỉnh lãi suất huy động.
“Việc nâng lãi suất huy động không phải do thanh khoản của các ngân hàng yếu mà vì Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT - NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, từ ngày 1/1/2017, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50%; đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn trung và dài hạn”, ông Hiếu nói.
“NHNN nên kiểm soát chặt các hoạt động của NHTM nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường 2 (liên ngân hàng) kịp thời để cung cầu tiền trên thị trường 2 được tốt, theo đó hỗ trợ thị trường 1 (dân cư) tốt hơn. Nếu lãi suất vẫn tiếp tục tăng, nhiều khả năng NHNN sẽ can thiệp thông qua mua lại các tín phiếu của NHNN đã phát hành, để tăng cung VNĐ”. TS Bùi Quang Tín |
Đồng tình ý kiến này, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính (UBGSTC) Quốc gia cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn dài của một số NHTM nhỏ hiện tăng đến 0,7% so với cuối năm 2015 và từ nay đến cuối năm có thể sẽ tiếp tục tăng do một số ngân hàng chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Mục tiêu tăng lãi suất huy động hướng tới 3 vấn đề: Thứ nhất, tăng nguồn vốn huy động để hỗ trợ dư nợ tín dụng; thứ hai, khắc phục mất cân đối giữa lãi suất huy động và cho vay. Nguyên nhân hơn 80% là lãi suất huy động ngắn hạn, trong khi dư nợ hơn 57% là tín dụng trung và dài hạn; thứ ba, lãi suất huy động USD chỉ còn 0% nên việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động VNĐ sẽ góp phần tăng trưởng vốn nhanh hơn.
“Việc tăng lãi suất không phải các ngân hàng kẹt thanh khoản mà chuẩn bị tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm. Cụ thể: Tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn ước đến cuối tháng 6 đạt 1.658.000 tỉ đồng, tăng 5,8% so cuối năm 2015 và tăng 17,09% so cùng kỳ. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng, đến cuối tháng 6, TP Hồ Chí Minh đạt 1.319.500 tỉ đồng, tăng 6,82% so cuối năm 2015 và tăng 16,42% so cùng kỳ”, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nói.
Thận trọng cho vay vì lo rủi ro
Lãi suất huy động tăng sẽ tác động không nhỏ tới việc điều chỉnh lãi suất cho vay của các ngân hàng. Bên cạnh đó, sức khỏe của các doanh nghiệp đang còn rất yếu khiến ngân hàng thận trọng cho vay vì sợ rủi ro.
Theo UBGSTC Quốc gia, trong 6 tháng năm nay, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9%). Hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của khối doanh nghiệp phi tài chính đang có xu hướng giảm do các loại phí (chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí...) tăng lên nhanh chóng. Điều này khiến không ít người lo ngại về cơ hội giảm lãi suất cho vay. Nhất là các ngân hàng có thể còn siết thủ tục cho vay do sợ bị lỗ; lãi suất đầu ra thậm chí còn được nâng lên để duy trì biên độ lợi nhuận.
“Chỉ những ngân hàng mạnh, có những khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước lớn mới có thể giảm được lãi suất cho vay, còn những ngân hàng nhỏ thì thực sự khó”, ông Hiếu chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lo ngại, lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các TCTD khiến việc duy trì ổn định mức lãi suất vay như năm 2015 còn khó chứ chưa nói tới việc giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Các NHTM cổ phần không có khả năng hạ lãi suất do nợ xấu còn tồn đọng, chưa được giải quyết khiến vốn hiệu dụng của ngân hàng thấp. Lãi suất là vấn đề rất lớn trong năm nay. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng băn khoăn về việc thâm hụt ngân sách cũng là nguyên nhân khiến lãi suất khó giảm. Bội chi tháng sau vẫn cao hơn tháng trước nên Nhà nước sẽ phải đi vay bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Điều này sẽ gây áp lực lên lãi suất.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc lãi suất cho vay tăng hay không sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là tổng cầu. Tổng cầu lớn mà vượt cả cung, lãi suất sẽ tăng theo cung - cầu. Hai là ngân hàng phải có những giải pháp để kiểm soát lợi nhuận của mình. “Hiện họ vẫn “ăn” chia 1:1, huy động với lãi suất 6% thì cho vay với lãi suất 10 - 12%. Đáng lẽ khoản chênh lãi suất hiện chỉ để ở mức 2 - 3% là ngân hàng đã lời rồi. Vấn đề ở đây là sự hài hòa lợi ích, sự điều chỉnh công nghệ và kiểm soát chi phí của ngân hàng sao cho không đội vào, không cộng vào khiến cho lãi suất tăng”, ông Phong nói.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đang phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay còn được giảm xuống chỉ từ 5 - 6%/năm. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay nên hạ thêm 2 - 3%/năm nữa mới phục vụ tốt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế như hiện nay, việc hạ 0,5 - 1%/năm lãi suất cũng là sự cố gắng lớn của các ngân hàng. |