“Khó có thể đạt được thỏa thuận về chất” là nhận định của giới phân tích về Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 4 và 5/11 tại Thành phố Mêhicô của thủ đô Mêhicô.
Công nhân ngành vận tải công cộng và truyền thông tại Hy Lạp ngày 5/11 đã bắt đầu một tuần đình công để phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về đà suy giảm của kinh tế toàn cầu khi "bão" nợ công tiếp tục hoành hành Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và kinh tế Mỹ ảm đạm, mục tiêu của hội nghị là trấn an mối lo ngại về xu hướng sa sút của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh cơn "bão nợ" tại châu Âu chưa tan và nước Mỹ cận kề "vực thẳm tài chính".
Giới chức G20 cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện gần đây vẫn chưa đủ để loại bỏ những nguy cơ suy thoái từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách cắt giảm chi tiêu công sắp tới tại Mỹ và đà tăng trưởng chậm lại tại các nền kinh tế mới nổi.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras ngày 5/11 cảnh báo nước này có thể bị "trục xuất" khỏi Eurozone nếu quốc hội không thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới. Ông Samaras nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu ngày 7/11 đối với dự luật về cắt giảm chi tiêu lên tới 18 tỷ euro và một số cải cách khác, tiếp theo cuộc bỏ phiếu ngày 4/11 về dự thảo ngân sách năm 2013, có ý nghĩa sống còn nhằm loại bỏ dứt điểm nguy cơ Hy Lạp phải quay lại với đồng drachma. Hy Lạp đang đàm phán với "bộ ba" chủ nợ - gồm EU, ECB và IMF - để được giải ngân phần cứu trợ 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai của EU và IMF. Đây là chiếc "phao cứu sinh" mà Hy Lạp cần nhận được vào giữa tháng 11 này, nếu không sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và đứng trước nguy cơ buộc phải rút khỏi Eurozone. |
Theo G20, mặc dù những biện pháp mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế mà các ngân hàng trên thực hiện đã phần nào giúp bình ổn các thị trường, chính phủ các nước vẫn cần hành động mạnh mẽ hơn nữa bởi vẫn còn nhiều quan ngại về môi trường kinh tế bất ổn cũng như chính sách tiền tệ chưa đủ lực để giúp vực dậy nền kinh tế toàn cầu.
Bất chấp nỗ lực của các nước thành viên và của cộng đồng quốc tế, nợ công vẫn đeo bám Eurozone và chưa có dấu hiệu cải thiện. Mặc dù 2 năm đã trôi qua kể từ khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá nhiều tỷ euro, song "tâm bão" khủng hoảng nợ công vẫn chưa ra khỏi nước này, đặt ra những bài toán nan giải cho giới lãnh đạo châu Âu. Trong khi đó, tình hình tài chính của Mỹ cũng là một vấn đề hết sức đáng lo ngại, dù giới phân tích cho rằng Oasinhtơn sẽ không có động thái chấn chỉnh cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6/11.
Theo nguồn tin giấu tên từ Mêhicô, sự vắng mặt của một số Bộ trưởng tài chính - trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Braxin - sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình thương thảo và kết luận cuối cùng của hội nghị. Bên cạnh đó là việc Mỹ chưa đạt được một thỏa thuận chính trị khả quan nào để giúp cường quốc này bước qua "vực thẳm tài chính".
Hồng Hạnh (Tổng hợp)