Khí đốt Địa Trung Hải có thể gây xung đột khu vực

Các nguồn khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải sẽ trở thành nguyên nhân chính gây ra các cuộc xung đột trong khu vực, giữa một bên là Israel và các đồng minh với bên kia là các quốc gia Arập láng giềng. Giống như cuộc chiến tranh giành nguồn nước, nó sẽ định hình lại các liên minh trong khu vực và trên thế giới.

Một mỏ khí đốt của Israel tại biển Địa Trung Hải.


Theo các nhà kinh tế, nguồn khí đốt tự nhiên ở Địa Trung Hải đang ngày càng trở nên quan trọng đối với khu vực, đặc biệt là Israel, do khí đốt được coi là một nguồn nhiên liệu rẻ để sản xuất điện. Các mỏ khí đốt mới được phát hiện gần đây ở khu vực phía đông Địa Trung Hải được coi là "cơ hội vàng" và là nguồn của cải to lớn đối với toàn bộ khu vực - bao gồm Ai Cập, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus, Liban, Syria và Palestine. Chính vì vậy, chúng có thể dẫn tới các cuộc xung đột và cạnh tranh khốc liệt, khi mà mỗi quốc gia đều tìm cách kiểm soát phần lớn nhất của nguồn tài nguyên thiên nhiên này, đặc biệt là trong bối cảnh chưa có một thỏa thuận rõ ràng về các đường biên giới trên biển nằm trong các vùng đặc quyền kinh tế giữa những nước nói trên.


Israel gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự và chiến lược với Hy Lạp và Cyprus. Các nhà phân tích coi đây là dấu hiệu của mối quan hệ "đối tác chiến lược ba bên" giữa ba quốc gia nhằm "độc quyền" kiểm soát các nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ trên Địa Trung Hải và chiếm đoạt bằng vũ lực bất chấp các nước Arập và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nguồn tin tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã ký kết một thỏa thuận mua tàu chiến với Đức nhằm bảo vệ các mỏ khí đốt cũng như các thiết bị khai thác trên Địa Trung Hải.


Chuyên gia kinh tế Maher Al-Tabaa khẳng định rằng Israel đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát đối với các nguồn lực của Palestine, bao gồm các mỏ khí đốt. Ông Al-Tabaa nhấn mạnh Israel đang lo ngại về nguy cơ bị tấn công nhằm vào các mỏ khí đốt trên biển, đồng thời cho rằng nhiều khả năng khí đốt sẽ gây ra các cuộc xung đột mới, đặc biệt đối với các mỏ khí đốt nằm ở các khu vực biên giới chung ở Dải Gaza, Liban và Ai Cập.


Trong trường hợp Syria, yếu tố kinh tế đã vượt qua các yếu tố chính trị và an ninh để tái định hình các liên minh trong khu vực và quốc tế.

Theo các chuyên gia, thỏa thuận khí đốt giữa Ai Cập với Israel được coi là nỗ lực của Israel để "bòn rút" các mỏ khí đốt của Ai Cập nhằm đảm bảo vị trí thống trị trong khu vực. Tình trạng hiện nay của mỏ khí đốt tự nhiên nằm ngoài khơi Dải Gaza vẫn chưa rõ ràng, mặc dù thỏa thuận với công ty của Anh đã bị đóng băng 8 năm. Các nhà kinh tế cho rằng lượng khí đốt tự nhiên tại các khu vực do Israel kiểm soát ước tính đạt khoảng 950 tỷ m3, đảm bảo nguồn thu khoảng 60 tỷ USD cho Israel trong vòng hai thập kỷ tới.


Chuyên gia Omar Shaaban chỉ ra rằng nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên bắt đầu được coi là một yếu tố chính trong các cuộc xung đột đang diễn ra ở khu vực. Theo đó, khí đốt có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc chiến tại Syria và là một trong những động cơ của cộng đồng quốc tế nhằm can thiệp vào nước này. Trong trường hợp này, yếu tố kinh tế đã vượt qua các yếu tố chính trị và an ninh để tái định hình các liên minh trong khu vực và quốc tế.


Có thể thấy, các mỏ khí đốt tự nhiên được coi là một trong những nguồn tài nguyên biển quan trọng nhất được Israel phát hiện cách đây 10 năm. Các nhà kinh tế Israel ước tính giá trị của nguồn tài nguyên này là hàng chục tỷ USD và sẽ giúp phục hồi nền kinh tế nước này. Trong vòng 5 năm qua, một loạt mỏ khí đốt đã được phát hiện tại Địa Trung Hải, như Aphrodite, Tamar, và Leviathan. Mỏ khí đốt Tamar được phát hiện năm 2009, nằm cách thành phố Haifa khoảng 50 km về phía tây, có trữ lượng khoảng 250 tỷ m3. Các chuyên gia dự báo mỏ Tamar sẽ có khả năng đáp ứng các nhu cầu về khí đốt của Israel trong vòng 20-30 năm.


TTK (Theo MEM)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN