Việc quản trị nguồn tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập, tỷ lệ thất thoát cao, để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Cấp phép tràn lan
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú với khoảng 60 loại khoáng sản ở hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Từ năm 2000 cho đến nay, ngành khai khoáng đóng góp 11% tổng GDP quốc gia và gần 25% thu ngân sách hàng năm của Nhà nước, tạo việc làm với hơn 430.000 lao động hiện đang làm việc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác. “Tuy nhiên, việc quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam trong thời gian qua còn yếu kém. Một trong những nguyên nhân là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản”, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Bốc xúc quặng Ilmenite thô tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Trọng Đạt - TTXVN |
Sau năm 2005, việc cấp phép khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương. Từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chỉ cấp 90 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, trong khi 57/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đã cấp tổng cộng 957 giấy phép. Trong số này có rất nhiều giấy phép cấp sai. Bộ TN-MT đã lập 8 đoàn kiểm tra công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại 39 tỉnh, thành, phát hiện 345 giấy phép không có giấy chứng nhận đầu tư dự án, 196 giấy phép được cấp khi hồ sơ không có dự án đầu tư khai thác khoáng sản được phê duyệt, 103 giấy phép cấp không đúng thẩm quyền... “Theo quy định, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản nhưng trong thực tế chỉ có khoảng 40% thực hiện báo cáo. Điều này dẫn đến việc Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế, không nắm rõ thực trạng tài nguyên khoáng sản”, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ TN-MT), cho biết.
Tình trạng cấp phép tràn lan, thiếu quản lý đã khiến cho việc khai thác khoáng sản gây không ít ảnh hưởng đến môi trường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của chính địa phương có khai thác khoáng sản. Nhận định về điều này, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chia sẻ: “Ở đâu có khoáng sản thì vùng đó lại rất là nghèo. Ở đâu có khoáng sản thì môi trường bị hủy hoại. Quy hoạch tài nguyên môi trường hiện nay chưa đạt mục tiêu. Con số dự báo đưa ra nhiều nhưng con số chính thức thì ít. Quy hoạch khoáng sản chưa đánh giá được chiến lược và vấn đề quản trị chiến lược còn yếu”.
Thực tế, theo thống kê của Bộ TN-MT, hiện nay cấp trung ương đã có 14 quy hoạch cho 40 loại khoáng sản khác nhau; ở cấp địa phương phần lớn cũng đã có quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ TN-MT, hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ hoặc địa danh có mỏ đưa vào quy hoạch mà không có tọa độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét, cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng, nhưng cùng một mỏ khoáng sản có khi lại bị điều chỉnh bởi 2 quy hoạch do 2 bộ chủ trì lập, phê duyệt ở những thời điểm khác nhau...
Minh bạch trong khai thác
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết, ngành công nghiệp khai khoáng ở nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và thách thức, quản trị và thực thi chính sách còn yếu kém. Do vậy, cần thực thi các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản và quản trị tài nguyên minh bạch hơn nữa.
Bộ TN-MT đã kiến nghị các giải pháp, trước tiên là tiếp tục xây dựng, ban hành mới để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành luật, khẩn trương ban hành Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đơn vị khai thác, chính quyền địa phương và nhân dân, nhất là người dân nơi có mỏ khoáng sản. Ngoài ra, sẽ rà soát các quy hoạch đã phê duyệt, nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, bổ sung hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép cho một số hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Cũng cần nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản theo quy định. Bộ TN-MT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, trình tự thực hiện công tác theo dõi, giám sát tổn thất khoáng sản; sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm cũng như xác định trữ lượng khoáng sản còn lại phù hợp với từng nhóm/loại khoáng sản làm cơ sở thực hiện.”, ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản khẳng định.
T.T