Phát biểu tại phiên khai
mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch
SOM APEC 2017 nhấn mạnh, kể từ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức
cao cấp (SOM1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và các
cuộc họp liên quan đến nay, các nền kinh tế ở khu vực và toàn cầu đã có
một số dấu hiệu tích cực.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới
nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nền kinh tế thế giới đã đạt được tốc độ
tăng trưởng mong muốn. Dự kiến đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục giữ vững
với sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế phát triển, mức tăng trưởng
đáng kể ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực
có động lực tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn,
triển vọng tăng trưởng của khu vực này có thể bị ảnh hưởng bởi những bất
ổn và thách thức trong khu vực, đòi hỏi các nền kinh tế phải có cơ chế
thúc đẩy hợp tác đa phương, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng đồng thời
thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng khả năng phục hồi và bao trùm.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong 9 ngày qua, đã có gần 50 cuộc
họp, hội thảo, hội nghị được tổ chức giữa các ủy ban và nhóm làm việc
của APEC nhằm đưa ra những nội dung cốt lõi tại Hội nghị SOM2. Từ đó,
đại diện các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục quá trình thực hiện
các ưu tiên đã được thông qua, thúc đẩy các sáng kiến mới, chuẩn bị
cho Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại lần thứ 23 và bắt đầu
định hình chương trình nghị sự cùng việc nhận diện các nội dung trình
lên các lãnh đạo của Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra vào tháng 11/2017 tại
thành phố Đà Nẵng.
Trong hai ngày từ 17-18/5, các đại biểu
dự Hội nghị SOM2 dự kiến thảo luận một số nội dung về: các ưu tiên và kế
hoạch hành động trong năm 2017 của Ủy ban Kinh tế APEC, Ủy ban Thương
mại và Đầu tư APEC; Báo cáo chính sách kinh tế APEC trong năm 2017
đối với lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và cải cách cơ cấu; Tiến
trình xây dựng Khung APEC về thúc đẩy kinh tế xuyên biên giới; Các
bước phát triển gần đây của các hiệp định thương mại tự do trong khu vực
và việc thực hiện Tuyên bố chung Lima về khu vực mậu dịch thương mại tự
do châu Á-Thái Bình Dương.