Khai mạc hội nghị G7 với trọng tâm là vấn đề Ukraine

Tối 4/6, Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) khai mạc tại Brussels (Bỉ) với chủ đề chính là vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga. Đây là lần đầu tiên G7 họp tại Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) mà không có sự tham dự của Nga.

Tại cuộc họp báo vài giờ trước khi khi mạc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết EU dự kiến sẽ ký thỏa thuận thương mại trong Hiệp định liên kết với Ukraine chậm nhất vào ngày 27/6 tới. Chủ tịch Van Rompuy cũng nhấn mạnh G7 và EU bàn bạc việc hỗ trợ Ukraine nhằm ổn định tài chính, kinh tế và chính trị tại quốc gia này.

Tại cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cũng thông báo EU sẵn sàng tổ chức vào đầu tháng 7 tới một cuộc họp nhằm điều phối các hoạt động trợ giúp cho Ukraine trước khi diễn ra hội nghị quốc tế về vấn đề này vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch Van Rompuy lưu ý G7 vẫn sẽ là G7 chừng nào Nga tiếp tục vi phạm các điều luật quốc tế. EU cũng sẽ không đề cập đến việc mở rộng trừng phạt kinh tế đối với Nga theo yêu cầu của Mỹ vì nhiều thành viên của EU vẫn còn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.


Chủ tịch EC Manuel Barroso (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch EU Herman van Rompuy trong cuộc gặp bên lề hội nghị G7. Ảnh: AFP-TTXVN


Thông cáo của G7 đưa ra sau các cuộc hội đàm tại Brussels (Bỉ) nêu rõ: “Các hành động nhằm gây bất ổn miền đông Ukraine là không thể chấp nhận và phải ngừng lại. Chúng tôi sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt có mục đích và triển khai các biện pháp chế tài bổ sung đáng kể khiến Nga phải trả giá hơn nữa nếu cần phải như vậy”.

Còn theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí rằng việc sử dụng vũ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được tại Ukraine và khu vực Đông Á. Ông Abe nhấn mạnh G7 cũng nhất trí ủng hộ Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko trong khi tiếp tục đối thoại với Nga.

Tổng thống Putin sẵn sàng gặp Tổng thống Ukraine

Ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống mới của Ukraine tại buổi lễ kỷ niệm ngày D-Day diễn ra trong tuần này tại Pháp.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 và đài phát thanh Europe-1 của Pháp, nhà lãnh đạo Nga cũng tỏ ra coi nhẹ các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Khi được hỏi rằng liệu ông sẽ gặp gỡ và bắt tay với Tổng thống mới đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko tại Normandy vào ngày 6/6 tới hay không, ông Putin đáp: “Tôi không dự tính né tránh bất kỳ ai”.

Tổng thống Nga Putin.


Liên quan tới việc Mỹ tuyên bố có các bằng chứng về sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine, ông Putin nói: “Bằng chứng à? Hãy cho chúng tôi xem. Cả thế giới đều nhớ rằng Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra bằng chứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq khi vung vẩy các ống nghiệm chứa bột giặt tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc”. Ông cũng cáo buộc Mỹ đạo đức giả trong nỗ lực “hung hăng” nhằm trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga cùng ngày cho biết đã gia hạn thêm 1 ngày, tới 10/6 để Ukraine bắt đầu trả trước tiền mua khí đốt hoặc phải đối mặt với nguy cơ bị cắt nguồn cung.

Thông cáo của Gazprom nêu rõ: “Theo đề nghị từ phía Ukraine, thời hạn chót để giải quyết vấn đề thanh toán đã được hoãn tới ngày 10/6 bởi ngày 9/6 là ngày nghỉ lễ tại Ukraine”. Thông báo trên được đưa ra sau khi Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller có các cuộc hội đàm với người đứng đầu công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine là Andriy Kobolev tại Berlin (Đức).
 
Trước đó, Gazprom đã lùi thời hạn chót từ ngày 3/6 sang ngày 9/6 sau khi Kiev thanh toán 786 triệu USD, một phần khoản nợ tiền mua khí đốt của Nga mà Ukraine chưa trả. Moskva đã tăng giá tiền bán khí đốt cho Kiev lên 500 USD/1.000 m3, mức giá cao nhất so với bất kỳ khách hàng nào của Gazprom tại châu Âu.



T.N(theo Reuters/Kyodo)
NATO cân nhắc viện trợ quân sự cho Ukraine
NATO cân nhắc viện trợ quân sự cho Ukraine

Tổng chỉ huy Các lực lượng liên minh ở châu Âu, Tướng Mỹ Philip Breedlove cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét đề nghị từ phía Ukraine về việc cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN