Israel trải “thảm đỏ” đón Tổng thống Pháp

Báo "Le Monde" (Pháp) số ra ngày 16/11 đã có bài phân tích quan hệ Pháp - Israel trước thềm chuyến thăm Israel đang diễn ra của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Công trình xây dựng khu định cư mới của Israel ở khu Bờ Tây, phía bắc Jerusalem ngày 12/11. Ảnh:AFP


Ông Francois Hollande sẽ được Israel đón tiếp trọng thị vì quan hệ giữa hai nước luôn hết sức tốt đẹp, nếu bỏ qua một vài giai đoạn dưới thời của những người theo “chủ nghĩa De Gaulle”. Ông chủ Điện Elysée chắc chắn sẽ nhắc lại quan điểm truyền thống của Pháp về lộ trình hòa bình Israel - Palestine, nhưng sẽ không đưa ra ý tưởng nào mới để tránh "khuấy động" bầu không khí hòa thuận đang có với Israel.


Còn một lý do khác khiến Thủ tướng Netanyahu “trải thảm đỏ” đón người đứng đầu nước Pháp là “hiệu ứng Kerry”. Ngoại trưởng Mỹ bị chỉ trích ngày một nhiều tại Jerusalem, vì đã có những nhận xét gay gắt về thái độ của Israel trong cuộc đàm phán hòa bình với Palestine, và nhất là bất đồng công khai với Israel về chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Kết quả của sự căng thẳng ngoại giao này là, theo sự phản ánh của báo chí Israel, John Kerry không còn được coi là một nhà trung gian hòa giải khách quan nữa.


Ngược lại, nước Pháp lại rất mẫu mực trong con mắt các nhà lãnh đạo Israel do quan điểm cứng rắn và những đòi hỏi cao đối với Tehran. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Netanyahu lại vui mừng đón tiếp Laurent Fabius, vị Ngoại trưởng Pháp đã trở nên nổi tiếng vì đã nói “không” trước “thỏa thuận tồi tệ” với Tehran tại cuộc đàm phán mới đây tại Geneva.


Đối với cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine, quan điểm của Pháp không có gì gây ngạc nhiên. Một nhà ngoại giao cấp cao Israel nhận định, Tổng thống Francois Hollande sẽ chẳng khó khăn gì nếu nhắc lại nhận định của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy: “Jerusalem nhiều khả năng sẽ trở thành thủ đô của hai nhà nước”, nhưng liệu ông có đòi hỏi Israel, giống như người tiền nhiệm của mình, “ngừng hoàn toàn và ngay lập tức việc xây dựng các khu định cư”? Hay ông sẽ đồng ý với quan điểm của nước chủ nhà coi “Israel là một Nhà nước - Quốc gia của dân tộc Do Thái”?


Liệu nước Pháp có ảnh hưởng tới quá trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine? Nhìn từ Jerusalem, có vẻ như là không. Tuy nhiên, ở Điện Elysée, người ta cho rằng sẽ quá “đơn giản” nếu khẳng định rằng chỉ Mỹ có thể ảnh hưởng tới các bên đàm phán. Nước Pháp cũng “có ảnh hưởng quan trọng” và sẽ “tiếp tục duy trì ảnh hưởng đó”, một cố vấn của Tổng thống Pháp đã nói vậy.


Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện một quan điểm mới trong quan hệ với Israel. Đó là EU đã không cho các tổ chức, cá nhân của Israel nằm trong các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine được hưởng ưu đãi tài chính trong chương trình hỗ trợ khoa học của châu Âu mang tên "Tầm nhìn 2020". Các nhà lãnh đạo Israel đang cố gắng thuyết phục EU giảm nhẹ lập trường này, song EU đang chờ đợi Tổng thống Pháp tái khẳng định sự đồng thuận của cả khối.


Israel hy vọng hồ sơ Iran sẽ là vấn đề trọng tâm trong chuyến đi của Tổng thống Pháp. Tuy nhiên, ông Hollande đang tập trung vào tình hình kinh tế đáng lo ngại của nước Pháp và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, do đó sẽ nhấn vào sự cần thiết phải tăng cường trao đổi thương mại với Israel. Tại Điện Elysée, người ta nhận định: Quan hệ kinh tế giữa hai nước là tốt đẹp “nhưng chưa tương xứng với tầm của đối thoại chính trị”. Đó là cách nói lấp liếm vì thị phần các trao đổi mậu dịch của Pháp với Israel chỉ chiếm 2,17% tổng kim ngạch thương mại của Israel, trong khi thị phần của Đức là 6,58%. Paris mong muốn Israel “trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư của mình.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bị Israel chỉ trích ngày một nhiều vì không còn là một nhà trung gian hòa giải khách quan nữa. Ngược lại, nước Pháp lại rất “mẫu mực” trong con mắt của Israel, do luôn có quan điểm cứng rắn đối với Iran.


Bích Hà - Tiến Nhất

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN