Truyền thông Iraq đưa tin ngày 26/6, Văn phòng Tổng thống Iraq đã kêu gọi quốc hội mới được bầu của nước này triệu tập phiên họp vào ngày 1/7 tới, để bắt đầu tiến trình thành lập một chính phủ mới trong bối cảnh cuộc nổi dậy của các nhóm phiến quân đang đe dọa tới sự thống nhất của quốc gia vùng Vịnh này.Theo kênh truyền hình nhà nước Iraqiya, Văn phòng của Phó Tổng thống Khudair al-Khuzai, người giữ chức quyền tổng thống và là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Nuri al-Maliki, khẳng định phiên họp quốc hội sẽ được tiến hành vào tuần tới. Phiên họp sẽ được chủ trì bởi thành viên lớn tuổi nhất trong tổng số 328 nghị sĩ được bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 30/4 vừa qua.
Dự kiến, quốc hội sẽ có thời hạn 30 ngày để bầu ra một tổng thống mới và 15 ngày sau đó phải chọn được người nắm giữ vị trí Thủ tướng của Iraq.
Hiện trường vụ đánh bom xe liều chết xảy ra tại thành phố Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 25/6. Ảnh: AFP-TTXVN |
Lời kêu gọi triệu tập phiên họp thành lập chính phủ được đưa ra trong bối cảnh tình hình an ninh tại Iraq ngày một xấu đi sau hơn hai tuần kể từ khi các tay súng phiến quân người Sunni tấn công và chiếm giữ nhiều thành phố ở vùng lãnh thổ phía Bắc và Tây của Iraq, làm dấy lên quan ngại về khả năng bảo vệ và giữ an ninh của các lực lượng chính phủ.
Syria không kích phiến quân ở biên giới IraqCùng ngày, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cho biết hôm 24/6, các máy bay chiến đấu Syria đã không kích mục tiêu là các phiến quân người Sunni dọc biên giới giáp với Iraq. Ông Maliki hoan nghênh việc Syria giúp đỡ phản công lực lượng phiến quân, đặc biệt là nhóm Nhà nước Hồi giáo và vùng Cận Đông (ISIL), song đây không phải theo yêu cầu của chính phủ nước này.
Các cuộc không kích của máy bay Syria diễn ra trong bối cảnh lực lượng phiến quân người Sunni do ISIL cầm đầu giành quyền kiểm soát thị trấn Al-Qaim và cửa khẩu giáp biên giới với Syria.
Trước đó, Chính phủ Iraq đã đề nghị Mỹ giúp đỡ không kích phiến quân nhằm lấy lại thế chủ động trong cuộc chiến giành lại các thành phố, thị trấn bị phiến quân chiếm đóng. Tuy nhiên đến nay, Mỹ mới chỉ điều 300 cố vấn quân sự tới Baghdad để hỗ trợ chính phủ của Thủ tướng al-Maliki phản công các lực lượng phiến quân.
Xung đột giáo phái ở Iraq đã khiến đất nước chìm trong tình trạng thiếu nhiên liệu. Do đó, các phương tiện thường xuyên phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ngoại trưởng Anh thăm Baghdad Trong một diễn biến khác, ngày 26/6, Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới Baghdad trong một chuyến thăm không báo trước để hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị Iraq đoàn kết trong việc đối phó với "mối đe dọa nghiêm trọng" từ lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh, ông Hague dự kiến sẽ gặp một số quan chức cấp cao Iraq để bàn về cuộc tấn công của phiến quân mà ông cho là dấy lên "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ" của Iraq.
Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Anh diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với mục đích tương tự là hối thúc chính giới Iraq đoàn kết trong cuộc chiến chống phiến quân.
Trong khi đó, ngày 26/6, Trung Quốc cho biết nước này vẫn đang tìm cách sơ tán các công dân khỏi Iraq, đồng thời khẳng định Bắc Kinh đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Iraq để đảm bảo an toàn cho những người này. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện có hơn 10.000 công nhân Trung Quốc làm việc tại Iraq. Phần lớn các công nhân này đều đang ở các khu vực an toàn và chỉ một số lượng nhỏ công nhân bị mắc kẹt tại vùng chiến sự. Bộ trên cho biết đang phối hợp với các cơ quan Iraq tiến hành sơ tán các công dân này đến nơi an toàn.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, kể từ ngày 5-22/6, đã có ít nhất 1.075 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công của lực lượng phiến quân tại Iraq và hàng trăm nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Tình hình bất ổn leo thang trong hơn 2 tuần qua đã đẩy nhu cầu viện trợ nhân đạo tại quốc gia vùng Vịnh này lên hơn 312 triệu USD.
TTXVN/Tin tức