Ngày 12/6, Phó Tư lệnh phụ trách kỹ thuật của Hải quân Iran, Đô đốc Abbas Zamini cho biết, Iran đã có những "bước đi đầu tiên" nhằm thiết kế và chế tạo tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Fars, Đô đốc Damini nêu rõ, việc thiết kế và chế tạo các hệ thống đẩy của tàu ngầm hạt nhân đã được bắt đầu. Ông Damini nhấn mạnh, Hải quân Iran "cần có hệ thống đẩy (hoạt động bằng năng lượng hạt nhân) để thành công trong việc hiện thực hóa các chiến dịch tầm xa", đồng thời khẳng định mọi quốc gia đều có quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, ông Damini không cho biết thêm chi tiết.
Cho tới nay, mới chỉ có một số quốc gia gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc có công nghệ để có thể tự chế tạo tầu ngầm hạt nhân. Trong ảnh: Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên lớp Borey Yuri Dolgoruky của Hải quân Nga. Nguồn: Internet. |
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc cùng với Đức) chuẩn bị tiến hành vòng đàm phán mới với Iran ở thủ đô Mátxcơva của Nga vào ngày 18-19/6 tới liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Têhêran. Trước đó, ngày 24/5, vòng đàm phán hạt nhân giữa hai bên đã kết thúc tại thủ đô Bátđa của Irắc mà không đạt được bước đột phá nào.
Iran thường nói quá về những thành tựu trong những lĩnh vực quân sự và khoa học của nước này, và các chuyên gia quân sự phương Tây thường hoài nghi về các tuyên bố này của Iran. Cho tới nay, mới chỉ có một số quốc gia gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc có công nghệ để có thể tự chế tạo tầu ngầm hạt nhân.
Liên hợp quốc đến nay đã áp đặt 4 đợt trừng phạt Iran vì nghi ngờ nước này tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua phát triển công nghệ và hoạt động làm giàu urani. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác cũng đang áp đặt lệnh cấm vận đối với các ngân hàng, thể chế tài chính và ngành dầu mỏ của Iran để gây sức ép buộc Têhêran quay trở lại bàn đàm phán.
TTXVN/Tin tức