Hy vọng gì tại đàm phán Iran và P5+1?

Sau thời gian dài trì hoãn, đàm phán giữa Iran với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức (gọi tắt là Nhóm P5+1) về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ chính thức được nối lại, với cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10 tại Geneva, Thụy Sĩ.


Sự lạc quan...


Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran hôm 12/10 cho biết, dự kiến Thứ trưởng ngoại giao Iran, Abbas Araqchi sẽ đến Geneva với đề xuất “3 bước trọn gói” đưa ra thảo luận với đại diện P5+1. Đó sẽ là việc công nhận quyền làm giàu urani phục vụ mục đích dân sự của Iran, không sản xuất urani làm giàu ở cấp độ 20% gắn với điều kiện phương Tây từng bước dỡ bỏ trừng phạt, cấm vận và đi tới thỏa thuận cuối cùng. Những nội dung này đều được xem là phức tạp, nhạy cảm, nhưng có thuận lợi là đàm phán được tiến hành trong bầu không khí tích cực hiếm có trong nhiều năm trở lại đây giữa Iran và các nước phương Tây.

Đàm phán hạt nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đã có những dấu hiệu tan băng. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngay từ khi lên nhậm chức Tổng thống Iran hồi tháng 8/2013, ông Hassan Rouhani đã nhiều lần phát đi thông điệp muốn xây dựng mối quan hệ mới với phương Tây. Đáp lại là sự hưởng ứng tích cực từ Mỹ và các đồng minh châu Âu. Cuộc điện đàm lịch sử giữa ông Rouhani và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 27/9 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng này.


Trước thềm cuộc gặp, cả phương Tây và Iran đều cố gắng tạo dựng dư luận thuận lợi cho các cuộc đàm phán. Phát biểu tại London hôm 13/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao đối với Iran “đang được mở ra”. Đáp lại, tân Ngoại trưởng Iran Javad Zarif qua tài khoản cá nhân Facebook cho biết, “tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể đạt được một bản lộ trình vào ngày thứ Tư tới đây”, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao nhằm hướng đến một thỏa thuận bước ngoặt.


... trong thận trọng


Tuy nhiên, với một chủ đề gai góc, tồn tại hàng chục năm nay như chương trình hạt nhân của Iran, thật không dễ để có được bước tiến mang tính đột phá. Cả Iran và Mỹ - hai nước chủ chốt nhất tại các cuộc đàm phán, hiện đều phải đối mặt với những thách thức từ nội bộ. Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei cho biết, ông không phản đối các cuộc hội đàm trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân, nhưng cũng không lạc quan với tiến trình này. Vị thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran thậm chí còn gọi Mỹ là nước “không đáng tin, ngạo mạn, phi lý, luôn thất hứa”. Ở phía bên kia, trong Quốc hội Mỹ xuất hiện nhiều tiếng nói phản đối việc “mềm hóa” quan hệ với Iran. Phát biểu hôm 10/10, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark S. Kirk nhận định, “các lệnh cấm vận đã bắt đầu gây tác hại đối với chính quyền Iran, đây không phải là nới lỏng sức ép”. Cùng lúc, thượng Nghị sĩ Tim Johnson đảng Dân chủ - Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện cho biết, trong một vài tuần tới Ủy ban này sẽ tiếp tục đề xuất dự luật cấm vận hà khắc hơn nhằm vào Iran.


Xem ra, cuộc hội đàm tại Geneva là cơ hội tốt hiếm thấy đối với cả Iran và phương Tây, nhưng nó chưa thể đủ xung lực để “phá băng” căng thẳng quan hệ giữa hai bên. Nói như Rebert Einhorn, chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) thì kết quả tốt nhất nếu có được sẽ chỉ dừng lại ở mức các bên tìm hiểu quan điểm của nhau, thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin, lộ trình phù hợp.


Hoài Thanh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN