Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện Yên Bình đang đẩy mạnh nguồn xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các xã trên địa bàn huyện.
Xã Tân Hương xã nằm cạnh hồ Thác Bà, đời sống của người dân nơi đây chỉ dựa vào kinh tế đồi rừng, bởi diện tích ruộng ít khoảng hơn 100 ha. Xã có 37 hộ gia đình sống trong ngôi nhà lụp xụp, dột nát, nhưng nhờ nguồn xã hội hóa mà đến tháng 11/2019 đã xóa xong 36 nhà, những hộ gia đình này được sống trong ngôi nhà khang trang, không còn cảnh lo lắng khi trời mưa. Đối với đường giao thông nông thôn, từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã kiên cố được hơn 13 km với tổng giá trị 16 tỷ đồng; trong đó, có hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, còn lại nguồn ngân sách của tỉnh và huyện.
Chị Hoàng Thị Tâm, trú tại thôn Khuân La, xã Tân Hương chia sẻ, nhờ được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giúp đỡ được 60 triệu đồng, kết hợp với vay mượn thêm và được anh em họ hàng, người trong thôn giúp đỡ ngày công nên gia đình chị đã xây được một ngôi nhà khang trang. Từ khi được ở trong ngôi nhà mới cả gia đình ai cũng phấn khởi nhất là các con của chị bởi nắng mưa không phải sợ nóng, sợ ướt như trước đây.
Bên cạnh việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, các ngành, đơn vị của huyện cũng đã mở rộng phạm vi kết nối đến các tỉnh khác như Bệnh viện phụ sản Hà Nội giúp đỡ xây dựng 12 ngôi nhà với trị giá 720 triệu; Quỹ từ thiện Kim Oanh, tỉnh Bình Dương giúp đỡ xây dựng 4 ngôi nhà; ca sỹ Khắc Việt hỗ trợ xây dựng 3 ngôi nhà với giá trị 110 triệu đồng, Công ty TNHH FM Trading và Công ty tấm lợp Đông Anh hỗ trợ 2 nhà với số tiền hơn 300 triệu đồng… Tính đến giữa tháng 11/2019 toàn huyện Yên Bình đã xóa được 95 ngôi nhà dột nát, theo kế hoạch hết năm 2019 sẽ xóa được 120 ngôi nhà.
Xuất phát điểm từ một huyện còn nhiều khó khăn, nên muốn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới thì nhu cầu về vốn là rất lớn. Vì vậy, huyện Yên Bình đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2018 huyện đã thành lập Ban vận động và quản lý quỹ “Xây dựng nông thôn mới” với mục đích kêu gọi các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, nhà hảo tâm… ủng hộ bằng các công trình hạ tầng, vật tư vật liệu hoặc tiền mặt để huyện Yên Bình tạo thêm nguồn lực, sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ban vận động này có quy định chung là hàng năm Ban vận động sẽ gửi công văn kêu gọi sự hỗ trợ, đầu tư từ các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Sau đó, vào dịp đầu xuân năm mới, huyện Yên Bình sẽ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, tại đây nhiều doanh nghiệp ủng hộ bằng tiền mặt hoặc về vật tư xây dựng.
Khi nhận được sự ủng hộ từ các đơn vị doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì Ban vận động sẽ chỉ đạo các xã rà soát, chọn lọc các công trình thật sự cần thiết để đầu tư và đầu tư theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình cụ thể; trong đó, tập trung chủ yếu vào xóa nhà dột nát, xây dựng đường giao thông liên thôn, ngõ xóm và xây dựng nhà văn hóa.
Khi các công trình được phê duyệt thì xã sẽ tự bố trí phương tiện trực tiếp đến các Công ty hỗ trợ xi măng để vận chuyển vật liệu về, còn người dân thì hiến đất, cùng nhau góp ngày công và sỏi để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa.
Bà Hoàng Thị Duyên, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Bình, Phó ban thường trực Ban vận động và quản lý quỹ “Xây dựng nông thôn mới” cho hay, việc huy động nguồn lực xã hội trong xây dựng nông thôn mới là việc làm rất cần thiết. Sau 2 năm thành lập, Ban vận động đã huy động được trên 6 tỷ đồng (riêng trong năm 2019 huy động được trên 700 triệu đồng tiền mặt và gần 300 tấn xi măng). Theo đó, có khoảng 3,4 tỷ đồng để xóa nhà dột nát cho hơn 100 hộ gia đình; xây dựng được gần 40 km đường giao thông nông thôn với bề mặt từ 2,5 - 3 mét với 2,5 tỷ đồng, còn lại là hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa.
Việc huy động nguồn xã hội hóa đã góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như hộ nghèo, đường giao thông… của huyện Yên Bình. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện bởi địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc huy động tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư còn hạn chế. Qua việc vận động nguồn xã hội hóa, bộ mặt nông thôn ngày được thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Nhờ huy động tốt các nguồn lực, sau gần 9 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Yên Bình đạt được những kết quả tích cực. Tính đến thời điểm giữa tháng 11, huyện Yên Bình có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2019 sẽ có thêm 2 xã được công nhận đạt chuẩn. Huyện không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Về giao thông nông thôn bê tông hóa được hơn 280 km đường với tổng mức đầu tư trên 330 tỷ đồng; về nhà ở đã hỗ trợ hơn 400 nhà thuộc diện hộ nghèo, chính sách và có hoàn cảnh khó khăn với giá trị trên 16,4 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 26,7% (năm 2011) giảm xuống còn 18,04% (năm 2018)…
Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó xác định nguồn lực xã hội hóa là quan trọng nên huyện sẽ tập trung kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện hỗ trợ, ủng hộ để xóa nhà dột nát, xây dựng đường giao thông nông thôn; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp ngày công chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện sẽ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia... để ưu tiên cho những xã đang xây dựng nông thôn mới...