Hướng người dân chủ động trong phòng chống lụt bão

Những năm gần đây, nguồn vốn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ đã phát triển thêm một số chương trình, dự án hướng đến việc nâng cao nhận thức và chăm sóc, bảo vệ người dân những vùng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân vùng bão lụt.

Người dân miền Trung đào hầm phòng tránh cơn bão Haiyan vừa qua. Ảnh:Nguyễn Sơn - TTXVN


Đến thăm một số xã nghèo, thuộc vùng trũng nhất của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh ngay sau khi tin siêu bão Haiyan, cơn bão số 14 trong năm không đổ bộ vào miền Trung, chúng tôi đã được chứng kiến sự thay đổi trong nhận thức cũng như hành động của người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lụt bão hằng năm.


Anh Thái Văn Thắng, Tổ trưởng tổ phòng chống lụt bão thôn Vân Cửu, xã Khánh Lộc cho biết, trận lũ lịch sử tháng 10/2010, chỉ trừ 4 hộ dân không bị ngập nước hoàn toàn, còn lại toàn thôn ngập sâu có nơi đến 2 m. Thiệt hại là rất lớn, nhất là khi do diện tích trồng lúa nhỏ hẹp, đời sống của bà con phần lớn dựa vào việc nuôi trồng thủy sản.


Trước đây, nhân dân trong thôn nhiều khi còn coi nhẹ công tác phòng chống lụt bão, coi khái niệm "biến đổi khí hậu" là ở đâu đó chứ không phải xảy ra nơi mình đang sống. Thêm vào đó, do thiếu hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai nên trong đợt lũ lịch sử năm 2010, nhiều bà con còn tâm lý đủng đỉnh mỗi khi bão lũ về. Tuy nhiên, đến năm 2012, nhận thức của người dân trong vùng đã dần dần thay đổi, sang năm 2013 thì đã khác hẳn.


Anh Thắng miêu tả, ngay từ khi nhận được thông báo khẩn về siêu bão Haiyan từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cấp trên, ngay từ 7 giờ sáng, UBND xã Khánh Lộc đã họp, khoanh 1.000 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng cần bảo vệ, rồi giao nhiệm vụ cho từng người trong tổ phòng chống lụt bão về công tác sơ tán, băng bó vết thương, kê kích đồ đạc, lùa gia súc... Ngay sau đó, tổ này về thông báo qua loa phát thanh đến bà con trong thôn. Chỉ sau 45 phút, người dân đã tập trung đông đủ và cấp thôn lại phân công tiếp nhiệm vụ cho từng người. Đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống là gia đình chính sách, người già, trẻ nhỏ, người neo đơn… May mắn cơn bão số 14 trong năm đã không về nhưng sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo của người dân thôn Vân Cửu đã nói lên một điều rằng, bà con nơi đây đã nhận thức rõ ràng và sâu sắc về công tác phòng chống là phải như thế nào.


Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ trong nước, đã khảo sát xây dựng đề xuất dự án "Áp dụng chuỗi giá trị cải thiện sinh kế nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai tại Can Lộc". Sau đó Trung tâm này đã tiến hành nhiều hoạt động vận động hỗ trợ về tài chính. Tổ chức Manos Unidas (Tây Ban Nha) đồng ý tài trợ vốn để triển khai thực hiện dự án trên bắt đầu từ năm 2012.


Dự án đã tập huấn về phòng chống thiên tai cho ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện, xã. Tại thôn xóm, bà con được tập huấn kỹ năng cứu nạn sơ cấp cứu, hỗ trợ trang thiết bị cứu hộ cứu nạn… Thành viên tổ phòng chống lụt bão thôn gồm 15 người, trong đó 6 người là nòng cốt có nhiệm vụ đi truyền thông và hỗ trợ người dân lập kế hoạch tại các hộ dân. Bên cạnh đó, hệ thống loa của xóm cũng được nâng cấp để xã truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên đài phát thanh…


Trước mỗi mùa bão lũ, quy định diễn tập trước luôn được các thôn, xóm thực hiện một cách nghiêm túc với sự tham gia của đông đảo người dân. Bà Nguyễn Thị Hiếu, người dân trong thôn cho biết, khi có công điện khẩn về phòng chống lụt bão về thì thành viên nòng cốt của xóm sẽ truyền đạt để bà con khẩn trương gói gém đồ đạc, thu cất giấy tờ lên cao. Thực tế là khi thông tin dự báo về cơn bão số 13 và 14 năm nay được phổ biến, nhân dân đã làm theo quy trình hướng dẫn và luôn trong tình trạng sẵn sàng. Kể cả đối với siêu bão Haiyan, khi nghe thông tin bão về, người dân đã chủ động nghe đài liên tục do đó công tác vận động đỡ vất vả hơn, đội nòng cốt chỉ liên hệ giúp bà con những địa điểm an toàn cho việc kê kích đồ lên cao.


Sau khi chứng kiến hậu quả lụt bão những năm trước, nhận thấy quy luật giữa các mùa trong năm đã thay đổi, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn nhưng lúc này người dân cũng chưa biết trong thời gian tới sẽ trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển đổi sản xuất như thế nào để giảm nhẹ những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Dự án đã thông qua việc thử nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mùa này, người dân nơi đây đã thử nghiệm thành công giống lúa mới NAR5, cho gạo thơm ngon và quan trọng là giống lúa này cho thu hoạch trước khi mùa lũ về.


Hoàng Thị Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN