Hướng đến sản xuất điều bền vững

Thời gian qua, diện tích trồng điều suy giảm mạnh do vườn điều già cỗi (hơn 20 năm tuổi chưa được thay thế chiếm 1/3 diện tích). Mặt khác cây điều khó cạnh tranh với nhiều loại cây công nghiệp khác như cao su, cà phê, tiêu nên đã gây ra tình trạng nông dân đốn bỏ điều. Vì vậy, bảo toàn diện tích điều và ngành điều phát triển bền vững là vấn đề đang được nhiều nhà khoa học lẫn doanh nghiệp quan tâm.


Vẫn phải nhập khẩu điều thô


Cả nước hiện có hơn 300.000 ha điều, cho sản lượng 285.000 tấn, năng suất bình quân đạt 9 tạ/ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại tỉnh Bình Phước với khoảng 140.000 ha. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước đã đạt 1,7 tỷ USD với sản lượng 261.000 tấn nhưng lượng điều thô trong nước không đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều đã phải nhập khẩu hơn 500.000 tấn điều thô.

 

Công nhân Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Tổng công ty rau quả, nông sản) phân loại hạt điều. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN


Việc nước ta phải nhập khẩu một lượng điều lớn như vậy là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến chất lượng giống điều, phương thức canh tác và tình hình tiêu thụ, xuất khẩu còn nhiều bất cập.


Hiện nay, có tới 84% cây điều được trồng ở những vùng đất xấu, thiếu nước do trước đây điều được trồng với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm phòng hộ nên ít được chú trọng chăm sóc, dễ bị sâu bệnh tấn công.


Mặt khác, diện tích điều sử dụng giống thực sinh (giống do người dân tự ươm, tự trồng, không qua chọn lọc) chiếm 65%, chỉ 35% diện tích được trồng bằng giống mới. Ngay cả những vườn điều trồng giống mới cũng còn bất cập về chất lượng giống do chưa quản lý tốt nguồn gốc, xuất xứ, khiến người trồng điều chưa thật sự yên tâm khi chuyển giống mới.


Tăng năng suất


Trước hiện trạng cây điều hiện nay, các nhà khoa học, cơ quan chức năng hiện đi tìm giải pháp để đưa ngành điều phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), cho rằng, để ngành điều phát triển bền vững thì cần hội đủ các yếu tố thâm canh, trồng xen, cải tạo giống, chuyển giao kỹ thuật trồng điều cho nông dân, hình thành tổ chức sản xuất cho người trồng điều và đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu điều.


Theo Bộ NNN&PTNT, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh vùng trồng điều, hình thành vùng trồng điều trọng điểm 200.000 ha tại Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tập trung đầu tư thâm canh, xây dựng giao thông, thủy lợi, mạng lưới thu mua và chế biến điều; từ đó phân loại vườn điều già cỗi, sâu bệnh nhiều để tái canh, cải tạo, vườn điều có đủ điều kiện thì tập trung thâm canh, tăng năng suất.

 

Cụ thể, đến năm 2020 có khoảng 90% diện tích điều được áp dụng các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình kỹ thuật, 70% diện tích điều được áp dụng kỹ thuật tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, nhất là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đối với vườn điều dưới 20 năm tuổi, cây sinh trưởng kém, năng suất thấp do thiếu dinh dưỡng thì tiến hành biện pháp chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhằm tạo điều kiện cho cây phục hồi sinh trưởng, phát triển tốt trở lại.


Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức mô hình trồng xen, nuôi xen các loại cây ca cao, gừng, nghệ, gà, ong lấy mật nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích điều. Trong đó, diện tích điều xen ca cao đạt 25.000 ha. Ngoài việc trồng xen, các địa phương xây dựng vườn giống đầu dòng, nhân giống gốc và cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chịu trách nhiệm về chất lượng cây giống khi cung cấp giống cho nông dân.


Theo TS Nguyễn Công Thành, Phòng Nghiên cứu cây công nghiệp - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, việc trồng xen ca cao trong vườn điều có tiềm năng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là một hình thức đa dạng hóa thu nhập sản phẩm điều và ca cao. Đây cũng là giải pháp tránh rủi ro trong sản xuất điều và góp phần thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây điều. Theo hướng này, ca cao được hưởng bóng mát của cây điều và ngược lại, cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao, năng suất điều sẽ cao hơn khi có cây ca cao xen vào. Có mô hình đã đạt từ 60 - 75 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với chỉ trồng chuyên canh một loại cây.


Hồng Nhung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN