Hua La khát nước sạch từng ngày

Cách thành phố Sơn La chỉ gần 5 km nhưng hầu hết người dân ở xã Hua La đều không có nguồn nước sạch để dùng. Nguồn nước duy nhất của người dân là từ các “mó nước” trên núi xuống hoặc sử dụng nước giếng. Tuy nhiên, 2 nguồn nước này đang ngày càng khan hiếm và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.


 

Nước “mó” khan hiếm, nước “giếng” ô nhiễm


Theo phản ánh của người dân xã Hua La, hiện nay hai nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt là các mó nước ở trên núi và giếng nước đã cạn kiệt nên người dân phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Điều đáng nói là các nguồn nước này ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Xã Hua La có 15 bản thì mới có ba bản được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, còn lại các bản khác, thậm chí cả khu trung tâm xã, trạm y tế xã và các trường học đều phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.


Mặc dù nước giếng bị ô nhiễm, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì khan hiếm nước sạch.

 

Cô giáo Phạm Thị Thắng, Trường mầm non Hua La cho biết: “Trước đây nguồn nước duy nhất mà giáo viên và học sinh trong nhà trường sử dụng là nước giếng. Tuy nhiên khoảng tháng 10/2013 khi múc nước lên thấy mùi tanh, hôi rất khó chịu, nhà trường lấy mẫu nước gửi Trung tâm y tế để xét nghiệm. Kết quả là nguồn nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể sử dụng được. Sau đó, nhà trường dừng sử dụng nước giếng, chuyển sang mua nước từ trên mó xuống để sử dụng. Dùng nước mó tôi không thấy yên tâm lắm, mình thì không sao nhưng còn các cháu học sinh nhỡ chẳng may bị bệnh lại khổ cả nhà trường, khổ cả cha mẹ. Nhưng vì chưa có nước máy nên nhà trường đành phải dùng vậy.


Do nước giếng ngày càng bị ô nhiễm bởi các loại rác thải, nước thải từ suối ngấm vào nên nhiều người không sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Tuy nhiên tại bản Pọng, mọi người dân vẫn phải dùng nước giếng cho sinh hoạt hàng ngày do ở đây không có mó nước. Ông Cà Văn Quân, Bí thư Chi bộ cho biết: “Cả bản có khoảng 20 chiếc giếng, mỗi chiếc đủ cho từ 18-20 hộ dân dùng chung. Do nguồn nước hạn chế nên người dân phải thay nhau bơm nước để dùng, cứ cách khoảng từ 2-3 ngày thì mới bơm nước một lần. Vào mùa khô mỗi lần bơm chỉ được khoảng nửa khối. Những năm gần đây, nguồn nước ở các giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng vì chẳng còn cách nào khác”.


Anh Hà Sơn Tình, một người dân trong bản cho hay: Nguồn nước ở đây không hợp vệ sinh lại hạn chế, các giếng vào mùa khô thì không có nước để dùng. Vào mùa mưa thì nước đục, sau khi bơm phải để mấy ngày mới có thể sử dụng được. Người dân nơi đây có ý định chung nhau đường ống để dẫn nước mó từ các bản khác về dùng, nhưng nước mó cũng ngày càng khan hiếm. Mong Nhà nước sớm có phương án đầu tư đưa nguồn nước sạch về bản cho người dân sử dụng, dùng nước bẩn như thế này rất mất vệ sinh.


Trông chờ nguồn nước sạch

 

Theo quan sát của phóng viên, đa số các giếng nước ở đây đều không có nắp đậy, vì thế hàng ngày một lượng lớn cát bụi, các loại lá cây, xác chết động vật… rơi xuống giếng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giếng nước bị ô nhiễm nặng. Mặc dù nước giếng mất vệ sinh nhưng hầu hết các hộ dân đều dùng cho sinh hoạt như ăn, uống, tắm giặt… mà không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nào. Một số gia đình có điều kiện kinh tế thì đi mua bình nước lọc về dùng. Tuy vậy, họ cũng chỉ dùng để nấu nước uống, nấu cơm, nấu canh… chứ không dùng tùy tiện.


Anh Lò Văn Luân, bản Pọng cho biết: Chưa đến mùa khô mà mực nước các giếng đã cạn, vào mùa khô thì không biết lấy nước đâu mà dùng. Mong sao, các cấp chính quyền sớm đầu tư đưa nước sạch về bản, cứ đi mua nước quanh năm như này thì rất tốn kém.


Để có nước giếng dùng, nhiều hộ dân đã nghĩ cách đào ao gần với giếng để nước ngấm vào. Nhưng đây cũng là biện pháp tạm thời bởi vào mùa khô, ao cạn nước thì giếng cũng cạn theo. Vì vậy, để có nước sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, người dân phải dậy từ sớm để ra suối sâu gánh nước về. Anh Cà Văn Tạc, người dân trong bản cho hay: “Ngày trước nước suối ở đây rất trong, đứng trên bờ có thể nhìn rõ các hòn đá ở đáy suối, nhưng bây giờ suối đã bị ô nhiễm nặng. Sáng sớm thì nước còn trong, nhưng đến hơn 8h nước đã đục ngầu.Việc tắm, giặt của người dân trong bản đều dựa vào đoạn suối này. Vì vậy suối ngày càng bị ô nhiễm, không biết thời gian tới chúng tôi sẽ xoay xở ra sao”.


Theo ông Lèo Văn San, Bí thư Đảng ủy xã, nguồn nước giếng ngày càng bị ô nhiễm nặng một phần do việc xả rác bừa bãi của người dân ra suối, những chất thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, đặc biệt là ở trên đầu nguồn nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ tắm nước nóng đã xả thẳng ra dòng suối, không qua xử lý. Xã đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, song tình trạng người xả rác bừa bãi vẫn chưa được cải thiện.

 

Mặc dù biết vấn đề nước sạch đối với người dân trong xã Hua La đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng việc xây dựng một công trình nước sạch nằm ngoài khả năng của chính quyền xã. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên đề nghị được hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch nhằm giúp bà con có nước sạch để phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bảo đảm sức khỏe và phát triển kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm gì.

Ông Lò Văn Đôi, Chủ tịch UBND xã Hua La

 

Bài và ảnh: Công Luật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN