Ban lãnh đạo ngân hàng toàn cầu HSBC (có trụ sở chính tại Anh), ngày 17/7 đã thừa nhận thất bại trong việc thực thi những quy định chống rửa tiền, sau khi bị cáo buộc tạo kẽ hở để các băng đảng ma túy ở Mexico, những ngân hàng có liên hệ với các tổ chức khủng bố tại Arập Xêut, Banglađét, Cayman và Iran tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Ban lãnh đạo HSBC tuyên thệ trước phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ.
Trong phiên điều trần trước Tiểu ban điều tra thuộc Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ, Chủ tịch chi nhánh HSBC tại Mỹ (HSBC Bank USA – HBUS), Irene Dorner đã đưa ra lời xin lỗi chính thức “vì HSBC đã không đáp ứng được trông đợi của các nhà quản lý, các khách hàng, nhân viên cũng như công chúng”.
Trước khi đọc bản khai của mình, Giám đốc Pháp chế của HSBC là David Bagley cũng đã thừa nhận trách nhiệm và tuyên bố từ chức. Theo ông Bagley, ngân hàng sẽ ngừng mọi hoạt động tại những “nơi trú ẩn bí ẩn” như quần đảo Cayman, song những đề nghị như vậy đã không xoa dịu được những cáo buộc của các thượng nghị sĩ rằng, HSBC đã “hy sinh các phép tắc để chạy theo lợi nhuận”.
Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi Tiểu ban điều tra công bố bản báo cáo dài 330 trang, cáo buộc HSBC đã cung cấp đường dẫn cho hệ thống rửa tiền của các trùm ma túy và những "quốc gia cứng đầu". Tiểu ban này phát hiện tình trạng kiểm soát yếu kém tại HSBC đã cho phép các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước như Mexico, Quần đảo Cayman, Iran, Arập Xêút hay Syria vào Mỹ qua ngân hàng này.
Chỉ từ năm 2007-2008, chi nhánh HSBC tại Mexico đã tuồn cho chi nhánh tại Mỹ 7 tỉ USD – số tiền được cho là có liên quan đến các hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp. HSBC cũng bị tố cáo làm ăn với ngân hàng Al Rajhi của Arập Xêút, một ngân hàng liên quan đến hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố sau vụ 11/9.
HSBC đối mặt với án phạt tài chính lên tới 1 tỉ USD. Ảnh Internet. |
HSBC và HBUS đã che giấu các giao dịch nhạy cảm trị giá hơn 16 tỉ USD tới Iran, quốc gia nằm trong danh sách bị chính phủ Mỹ phong tỏa tài chính, trong suốt 6 năm. Theo các nhà điều tra, lãnh đạo HSBC đã biết về “những giao dịch che giấu với Iran” từ năm 2001, nhưng vẫn cho phép hàng ngàn giao dịch tiếp diễn cho đến tận năm 2007. Thông qua việc sử dụng những giao dịch quay đầu (khi các khoản tiền được đưa vào rồi ra khỏi Mỹ thông qua các ngân hàng nước ngoài không phải của Iran), HSBC đã thực hiện gần 25.000 giao dịch bằng USD với Iran.
Bên cạnh đó, báo cáo của Thượng viện kết luận rằng Ủy ban lập pháp ngân hàng Mỹ - cơ quan kiểm soát tiền tệ - đã thất bại trong việc kiểm soát HSBC. Lãnh đạo HSBC và các nhà quản lý Mỹ đã phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo và không ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ năm 2002-2010, dẫn đến hậu quả là để hở “cánh cửa” cho những kẻ tội phạm và khủng bố thâm nhập hệ thống tài chính Mỹ. Thượng nghị sĩ Carl Levin, lãnh đạo Tiểu ban điều tra của Thượng viện, đã chỉ trích “người khổng lồ” ngân hàng Anh là “bị đầu độc khắp nơi”.
Cổ phiếu HSBC đã giảm 1,7% khi đóng cửa phiên giao dịch 17/7 tại London. Các nhà phân tích cảnh báo, ngân hàng này có thể đối mặt những án phạt tài chính khổng lồ trong khi rủi ro chính trị cũng là rất lớn.
Thu Hằng