Hợp lòng dân

Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 33- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Chỉ thị của Bộ Chính trị ra đời một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng ta trong việc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng; cũng thể hiện rõ quan điểm của Đảng là lắng nghe ý kiến của nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện các giải pháp phòng chống tham nhũng có hiệu quả.

 

Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị ra đời đúng vào thời điểm tệ nạn tham nhũng trở thành một thách thức lớn, một vật cản nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chỉ thị được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng, cần thiết và hợp với lòng dân; cũng chứng tỏ chủ trương chống tham nhũng của Đảng không phải là lời hứa suông, mà biến thành hành động cụ thể. Trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng là một công việc lâu dài, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp để phòng, chống tham nhũng mang lại hiệu quả là việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cá nhân thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Có như vậy, biện pháp này mới có tác dụng tích cực trong công tác phòng ngừa.
Cần khẳng định, việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng, là khâu trọng yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đã có chủ trương và Nhà nước đã thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện. Song, trong thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức; việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Đó cũng chính là lý do khiến giải pháp này chưa phát huy được hiệu quả.

 

Phải thấy rằng, cái đích của hành vi tham nhũng là vơ vét được nhiều tài sản, tiền của từ những nguồn lực của Nhà nước vào túi cá nhân. Còn nhớ, tại phiên tòa xét xử vụ tham nhũng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây, có bị cáo khai nhận từng kéo cả một va ly tiền đưa cho Dương Chí Dũng. Thực hư của lời khai trên sẽ được cơ quan pháp luật điều tra làm rõ. Nhưng đó cũng là lời cảnh báo về sự tha hóa nhân cách, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng đặt ra trọng trách hết sức nặng nề lên vai của những người có trách nhiệm trong cuộc chiến chống tham nhũng.


Bởi vậy, rất dễ hiểu khi Chỉ thị nhấn mạnh lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn. Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, Đảng yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản...


Người dân kỳ vọng và tin tưởng, Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị ra đời sẽ là công cụ sắc bén của Đảng nhằm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, một thứ giặc “nội xâm” nguy hiểm.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN