Ngày 12/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tính đến ngày 9/11, thế giới đã ghi nhận 14.098 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có tới 5.160 người đã tử vong.Nhân viên y tế làm việc tại trung tâm điều trị Hastings, ngoại ô Freetown, Sierra Leone ngày 11/11. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Số liệu thống kê của WHO cho thấy trong số 7 quốc gia Tây Phi có dịch Ebola, 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Liberia (6.822 ca nhiễm, 2.836 ca tử vong), Sierra Leone (5.368 ca nhiễm, 1.169 ca tử vong) và Guniea (1.878 ca nhiễm, 1.142 ca tử vong).
Hai nước đã được công bố thoát dịch là Nigeria và Senegal tiếp tục không ghi nhận cá nhiễm mới nào.
Mali cách ly hơn 90 trường hợp nghi nhiễmMặc dù không phải là quốc gia "ổ dịch", nhưng chính phủ Mali đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn virus Ebola lây lan sau khi có bệnh nhân thứ hai tử vong. Bệnh nhân là một y tá, làm việc tại phòng khám Pasteur ở thủ đô Bamako và bị nhiễm bệnh trong quá trình chăm sóc một mục sư người Guinea đã tử vong.
Một trong những biện pháp được chính phủ Mali triển khai là cách ly hơn 90 trường hợp nghi nhiễm ở thủ đô Bamako, trong đó có 20 binh sĩ thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ). Hiện toàn bộ những người này đang được điều trị tại phòng khám Pasteur.
Ngoài ra, chính phủ Mali cũng cử một đội ngũ tìm kiếm tất cả những người từng tiếp xúc với mục sư người Guniea và y tá bị nhiễm bệnh.
Mỹ triển khai thêm 3.000 quân y đến Liberia hỗ trợ dập dịchTrong khi đó, tại Mỹ, khoảng 100.000 y tá đã tham gia các cuộc tuần hành ở các thành phố lớn như Washington, Chicago và Oakland để phản đối các biện pháp bảo hộ mà họ cho là "chưa phù hợp dành cho các y tá chăm sóc bệnh nhân Ebola".
Những người này yêu cầu các bệnh viện cung cấp các biện pháp phòng ngừa tốt hơn cho đội ngũ nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola như áo bảo hộ toàn thân hay mặt nạ. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu được tham gia các khóa huấn luyện cần thiết để có thể nắm được cách thức xử lý và điều trị các trường hợp mắc Ebola.
Cùng ngày, giới chức quân sự Mỹ thông báo nước này sẽ triển khai tối đa 3.000 quân y đến Liberia để hỗ trợ công tác dập dịch, thay vì 4.000 quân y như kế hoạch ban đầu. Trao đổi với báo giới, Tướng Gary Valesky - người đứng đầu lực lượng quân đội Mỹ tại Liberia - cho biết quyết định này được đưa ra sau khi giới chức Mỹ nhận thấy các nhà thầu có thể phụ trách xây dựng các công trình cần thiết, trong khi các tổ chức viện trợ tư nhân cũng gửi các nhân viên đến hỗ trợ Liberia.
Hiện có khoảng gần 2.200 quân y Mỹ đang có mặt tại Liberia, chủ yếu tham gia xây dựng các phòng thí nghiệm di động cho đội ngũ nhân viên y tế địa phương và 17 cơ sở phục vụ điều trị bệnh nhân nhiễm Ebola. Các quân y này không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân.
TTXVN/Tin Tức