Ngày 7/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã cực lực lên án "vụ tấn công khủng bố man rợ và hèn hạ" tại thủ đô Paris của Pháp nhằm vào tuần san "Charlie Hebdo" làm 12 người thiệt mạng.Một quan chức cơ quan bảo vệ pháp luật tại Paris trả lời báo chí trước cổng tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo về vụ tấn công. Ảnh: AFP- TTXVN. |
Tuyên bố của cơ quan gồm 15 nước thành viên này nêu rõ: "Các thành viên HĐBA cực lực lên án hành vi khủng bố không thể dung thứ nhằm vào các nhà báo và một tờ báo này".
Trong khi đó, tại Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc mít tinh để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công trên. Theo cảnh sát, ít nhất 10.000 người đã tập hợp tại thành phố Lyon miền Đông và khoảng 5.000 người tại Paris, cách hiện trường vụ khủng bố không xa.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết nước này mạnh mẽ lên án vụ tấn công khủng bố ở Pháp, khẳng định Bắc Kinh phản đối tất cả các hình thức khủng bố và ủng hộ nỗ lực của Pháp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Một loạt các nhà lãnh đạo và quan chức khác trên thế giới cũng lên án vụ tấn công đẫm máu tại Paris, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Stephen Harper, Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Romania Klaus Iohannis, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, Tổng thống Iraq Fuad Masoum, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu...
Đức trấn an công dân Sau vụ tấn công tại Paris, nhà chức trách Đức ngày 7/1 đã lên tiếng trấn an người
dân trước mối lo khủng bố xảy ra ở nước này.
Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maizière
cho biết giới chức nước này không thấy có dấu hiệu cụ thể về nguy cơ
xảy ra tấn công giống như ở Paris và cũng không phát hiện có dấu hiện về
hành động tấn công mang động cơ khủng bố ở Đức.
Tuần hành tại London, Anh lên án vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn Charlie Hebdo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông
Maizière lưu ý rằng sau vụ tấn công ở Paris, tuy tình hình khá nghiêm
trọng và đáng quan ngại, song "không có gì phải hoảng sợ". Ông cũng cho
biết giới chức an ninh Đức và Pháp đang liên hệ chặt chẽ để trao đổi
thông tin an ninh.
Liên quan phong trào "Người châu Âu chống Hồi
giáo hóa phương Tây" (Pegida) tại Đức, ông Maizière bày tỏ quan ngại về
xu hướng thù địch với Hồi giáo của Pegida, đồng thời nêu rõ cần phân
biệt sự khác biệt giữa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố
Hồi giáo với đạo Hồi nói chung. Pegida chỉ là "hiện tượng địa phương" và
không nên quá lưu tâm về phong trào này.
Theo thống kê của giới
chức an ninh Đức, hiện nước này có trên 1.000 người trong danh sách có
nguy cơ tiến hành tấn công khủng bố Hồi giáo, trong đó có khoảng 300 đối
tượng cực đoan sẵn sàng gây bạo lực. Ngoài ra còn có khoảng 230 người
Hồi giáo sẵn sàng tiến hành những hành động bạo lực nghiêm trọng.
Trong
diễn biến liên quan, tối 7/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có
chuyến thăm Anh, đã tham dự cuộc họp của lãnh đạo tình báo Anh sau vụ
tấn công ở Paris. Trong cuộc họp, Thủ tướng Đức và người đồng cấp Anh
David Cameron đã nghe báo cáo của lãnh đạo hai cơ quan tình báo MI5 và
MI6 của Anh về các mối đe dọa an ninh. Ông Cameron đã lên án vụ tấn công
khủng bố nhằm vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Pháp trưa ngày 7/1
làm 12 người thiệt mạng, đồng thời cho biết sẽ triệu tập cuộc họp của
Ủy ban khẩn cấp (Cobra) vào sáng 8/1.
Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo
"có mối đe dọa cao về khủng bố" và "các cuộc tấn công bừa bãi có thể
xảy ra", trong khi Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho rằng vụ tấn công
đẫm máu ở Paris cũng cho thấy mối hiểm họa mà Anh có thể phải đối mặt.
TTXVN/Tin tức