Khác với đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, cây ngô là nguồn lương thực chính đã gắn bó từ ngàn đời nay với người dân; ở tỉnh Yên Bái, nguồn lương thực chính là lúa gạo, nên việc trồng ngô không được chú trọng. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa nương sang trồng ngô là việc không dễ dàng.
Để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi này, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng cao, trong đó có mục tiêu xóa bỏ việc trồng lúa nương ở vùng cao, chuyển diện tích sang trồng cây màu, chủ yếu là cây ngô, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trên mỗi ha canh tác. Nghị quyết tuy mới được thực hiện, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, hợp lòng dân, vì vậy đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Chăm sóc ngô đông tại xã Yên Hưng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh : Trần Tuấn - TTXVN |
Tỉnh đã triển khai các biện pháp như tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình điểm hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân vùng cao chuyển đổi trồng lúa nương sang trồng ngô. Tỉnh cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/ha diện tích được chuyển đổi, để mua giống, phân bón... Nhờ đó, năm 2012, tỉnh Yên Bái đã vận động được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải chuyển đổi trên 1.000 ha đất trồng lúa nương sang trồng ngô, trong đó riêng huyện Mù Cang Chải được hơn 700 ha, huyện Trạm Tấu có 300 ha. Còn với huyện Văn Chấn, hiện tại hầu hết diện tích lúa nương đã được thay thế bằng cây ngô đồi.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Những năm trước đây, đồng bào dân tộc các xã vùng thượng huyện, xã vùng cao, có tập quán sản xuất lúa nương rẫy, có những thời điểm cả huyện có trên 1.000 ha lúa nương. Nhưng từ năm 2009, huyện đã xây dựng các mô hình trồng ngô, đỗ tương trên diện tích sản xuất lúa nương cho hiệu quả kinh tế cao, trong điều kiện thâm canh bình thường nhưng ngô vẫn đạt năng suất gần 4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 6 - 7 lần lúa nương. Một thuận lợi nữa là ngô rất dễ tiêu thụ trên thị trường.
Minh chứng cho lời nói của mình, ông Toản đã đưa chúng tôi đến gia đình anh Đặng Phúc Chu, dân tộc Dao, ở xã Nậm Mười. Đứng trước một "rừng" ngô xanh tốt, anh Chu cho biết: “Trước đây, gia đình mình sản xuất gần 1ha lúa nương. Từ năm 2011, được cán bộ xã và cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện lên vận động và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng ngô. Ngô đã lên rất tốt. Ngay trong vụ đầu tiên gia đình đã thu hoạch được 4,2 tấn ngô, thu về 28 triệu đồng. Được mùa ngô, gia đình tiếp tục mua giống, phân bón về trồng ngô vụ hè thu, số tiền còn lại một phần để dành cho con cái đi học và mua được xe máy để đi”.
Còn anh Hảng Cáng Dơ, dân tộc Mông, bản Chống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, phấn khởi khoe: “Thấy cán bộ huyện, xã vận động chuyển từ diện tích lúa nương sang trồng ngô, lại được Nhà nước cho giống, phân bón, gia đình phấn khởi lắm. Vụ xuân hè này gia đình mình đã trồng 1ha ngô bằng giống CP3Q, cứ tưởng trồng trên đất lúa nương cằn cỗi ngô không lên được, nhưng cây ngô lại lên rất tốt. Nếu không có bất thường của thời tiết thì chắc chắn cho năng suất cao, ít cũng phải 4 tấn/ha. Cả bản Chống Tông này có mấy chục hộ dân nhưng nhà nào cũng chuyển trồng lúa nương sang trồng ngô”.
Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, Hờ Chờ Sử khẳng định: Thực hiện chủ trương của huyện, toàn xã đã chuyển đổi được gần 100 ha ngô bằng giống Ag 59, CP3Q, nhân dân ở cả 7 thôn, bản đều tham gia. Diện tích ngô sinh trưởng và phát triển rất tốt, cứ đà này chắc chắn năng suất đạt không dưới 3,5 tấn/ha. Dự ước toàn xã sẽ thu được trên 300 tấn ngô hạt, trị giá 2,1 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô, nhằm giúp đồng bào phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. Đây thực sự là một hướng đi đúng của tỉnh.
Đức Tưởng