Hiệu quả từ chương trình cấp phát báo miễn phí

Những tờ báo giấy được cấp phát từ chương trình cung cấp miễn phí các ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn... từ lâu đã là phương tiện truyền tải thông tin vô cùng quý giá và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.

 

Cẩm nang gối đầu


Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp miễn phí 20 ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2015 đã đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Các tờ báo, ấn phẩm không chỉ thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn là một phương tiện giải trí làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Thông qua các bài báo, bà con vùng sâu vùng xa còn được tiếp cận kiến thức khoa học về các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp… Chị Giàng Thị Mua, ở xã Ma Lé (huyện Đồng Văn), chia sẻ: "Tôi rất thích đọc báo, nhất là các chuyên mục khuyến nông. Báo đã giúp vợ chồng tôi biết cách chăm sóc ngô tốt hơn. Từ ngày theo dõi chuyên mục khuyến nông, gia đình tôi học thêm được kinh nghiệm chăm sóc lợn nái. Tôi đã bán được 3 lứa lợn giống, tất cả đều nhờ đọc báo".

Thông qua báo chí, đồng bào nắm bắt được tình hình kinh tế- xã hội, chính trị trong nước và thế giới.


Các tờ báo, tạp chí đã bám sát thực tế của từng vùng, từng địa phương, chuyển tải những thông tin thiết thực đến bà con. Báo chí đã giúp đồng bào biết cách chuyển đổi từ sản xuất lạc hậu sang hướng sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.


Anh Phàn Tờ Mìn, trưởng thôn Đoàn Kết, xã Bạch Đích (huyện Yên Minh) cho biết: Không phải nhà nào trong xã cũng có tivi, vì thế thông qua đọc báo, bà con đã nắm bắt được những chủ trương, đường lối của Đảng. Nhờ báo hướng dẫn, bà con dân tộc thiểu số đã biết cách chăm sóc sức khỏe, nắm bắt được tình hình thời tiết để chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi... Chính vì báo chí đã đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân, nên họ coi trọng và lưu giữ rất cẩn thận để lúc cần còn đem ra đọc lại.

 

Làm tốt công tác tuyên truyền nhờ đọc báo


Ông Mai Ngọc Hướng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết, sau 3 năm được cấp phát báo miễn phí, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự tiến bộ rõ rệt. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã nhận và phát đến tay nhân dân gần 2,5 triệu tờ báo các loại. Nội dung của các báo, tạp chí ngày càng đa dạng, phong phú… Đặc biệt, báo Tin Tức - Thông tấn xã Việt Nam có nhiều bài viết chuyên sâu phản ánh nét đẹp văn hóa của từng vùng, từng dân tộc mang tính nhân văn sâu sắc.

Đọc báo học thêm được nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây, con.


Trung úy Nguyễn Văn Quảng, công tác tại Đồn Biên phòng Lũng Cú (huyện Đồng Văn), cho biết: Mấy năm trước đây anh em bộ đội biên phòng muốn đọc báo thì thường tranh thủ những dịp về Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh họp để đọc ở thư viện hay mua ở bưu điện tại thành phố Hà Giang. Giờ đây, các loại báo đã được đưa lên tận đồn, rất tiện lợi cho việc nắm bắt thông tin; đặc biệt là những thông tin mang tính định hướng có tác dụng rất tốt trong công tác tuyên truyền. Từ khi được cấp phát báo, anh em ở đồn biên phòng có điều kiện mở mang kiến thức, cũng như nắm bắt được tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chính trị trong nước cũng như thế giới.


Thời gian 3 năm tuy chưa dài nhưng đã khẳng định được sự đúng đắn của chính sách cấp phát báo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Chính sách đã mang lại hiệu quả rất to lớn và thiết thực giúp bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, quê hương, đồng thời có tác dụng củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.


Bài và ảnh: Đỗ Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN