Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Sơn đỏ Tam Nông cho sản phẩm nhựa cây sơn của tỉnh Phú Thọ” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện từ đầu năm 2010 đến nay bước đầu đã mang lại hiệu quả, niềm tin cho những người trồng sơn tại địa phương.
Người dân xã Thọ Văn, huyện Tam Nông thu hoạch sơn. |
Dự án đã điều tra, khảo sát về quy mô, hiện trạng của vùng sản xuất, kinh doanh sơn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và diện tích trồng sơn tại 7/10 xã của huyện Tam Nông về nhựa sơn đỏ Tam Nông; trên cơ sở đó báo cáo tổng thể về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt và bảo quản nhựa sơn; mẫu nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm...
Dự án đã tiến hành thu mua các mẫu nhựa sơn ở các xã triển khai dự án, đem phân tích các chỉ tiêu để xây dựng hệ thống chỉ tiêu chứng nhận; tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhà sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia, từ đó xây dựng được hệ thống chỉ tiêu chứng nhận cho sản phẩm nhựa sơn Tam Nông; xây dựng thành công website http://sondotamnong.com, hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “nhựa sơn Tam Nông” gửi về Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, dự án tổ chức 2 lớp tập huấn cho bà con trồng sơn về các quy trình kỹ thuật trồng, lấy nhựa sơn, quy trình cấp quyền, quy chế sử dụng, bao gói, dán tem nhãn, giúp người dân có những kiến thức và sử dụng kỹ thuật đúng.
Ông Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết: Cây sơn là cây công nghiệp mang lại thu nhập chính của hầu hết người dân trong xã nhưng lâu nay thường bị tư thương ép giá do không có nhãn hiệu, xuất xứ... nên nhiều người trồng sơn không tập trung vào loại cây này. Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sơn đỏ Tam Nông cho sản phẩm nhựa cây sơn của tỉnh Phú Thọ” ra đời giúp cho người dân có thể yên tâm sản xuất, bảo đảm cả về chất lượng, nguồn gốc, tem nhãn từ đó không bị tư thương ép giá...
Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn