Hiểm họa ung thư từ ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm không khí là một nguyên nhân dẫn đến ung thư, cùng với những tác nhân nguy hiểm khác được biết đến như amiăng (một loại khoáng chất tự nhiên thường được sử dụng trong xây dựng), thuốc lá và bức xạ tia cực tím.

Khói bụi thải ra từ động cơ ô tô sử dụng nhiên liệu diesel có thể dẫn đến ung thư.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC), ô nhiễm không khí là tác nhân gây ung thư quan trọng nhất, nguy hiểm hơn nhiều so với hít phải khói thuốc lá gián tiếp". Trong khi đó, ông Kurt Straif - người đứng đầu nhóm nghiên cứu của IARC - nhấn mạnh: Từng chất trong không khí bị ô nhiễm có nguy cơ gây ung thư thấp, nhưng khi các chất này kết hợp với nhau sẽ dẫn đến nguy cơ cao.


Không khí bị ô nhiễm bao gồm một hỗn hợp phức tạp các loại khí và các hạt vật chất và IARC cho rằng, một trong những rủi ro chính của nó là các hạt vật chất mịn này có thể lắng đọng sâu trong phổi, dẫn đến ung thư.


"Những hợp chất này rất khó tránh. Khi bạn đi bộ trên phố, nơi bị ô nhiễm nặng do các động cơ diesel thải ra, bạn cố gắng đi nhanh hơn một chút. Đó là tất cả những gì bạn có thể làm", ông Straif nói.


Thực tế là gần như tất cả mọi người trên hành tinh này đều phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm và chính phủ các nước cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xả khói bụi ra môi trường. Ông Straif lưu ý rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban châu Âu đang xem xét giới hạn cho phép đối với ô nhiễm không khí.


Trong năm 2010, IARC cho biết trên toàn thế giới đã có hơn 220.000 ca tử vong do ung thư phổi liên quan đến ô nhiễm môi trường. Cơ quan này cũng cảnh báo ô nhiễm không khí còn liên quan mật thiết với bệnh ung thư bàng quang.


"Tôi cho rằng đeo khẩu trang có thể hạn chế tiếp xúc với các hạt vật chất, do đó, chúng rất hữu ích trong việc ngăn chặn nguy cơ ung thư từ không khí bị ô nhiễm", Straif nói. Tuy nhiên, ông khẳng định đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế cần phải chung tay hành động nhằm cải thiện chất lượng môi trường. "Mọi người chắc chắn có thể đóng góp bằng cách làm những việc đơn giản như không lái một chiếc xe hơi với động cơ diesel lớn, và điều này cần có chính sách bảo vệ môi trường của các quốc gia”, Straif lý giải.


Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, con người hầu như không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm. "Bạn có thể chọn không uống nước bị ô nhiễm hoặc không hút thuốc, nhưng bạn không thể kiểm soát được việc mình đang tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm", giáo sư Francesca Dominici thuộc Trường Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ) khẳng định.


Nguy cơ mắc bệnh ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố di truyền, tiếp xúc với các chất nguy hiểm và lối sống không lành mạnh do uống rượu, hút thuốc và tập thể dục. Trước đây, ô nhiễm môi trường được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và hô hấp.


Theo giáo sư Dominici, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra những thành phần nguy hiểm nhất tồn tại trong môi trường bị ô nhiễm và kêu gọi cách giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng hơn. “Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chúng ta có thể làm sạch không khí hơn nữa?”, bà Dominici nhận định.


CT (Theo AP/NBC News)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN