Mấy năm gần đây, nước ta luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cúm gia cầm. Mỗi đợt dịch cúm gia cầm, cả nước lại phải tiêu hủy cơ man gà, vịt. Người nuôi khóc đỏ con mắt vì cơ nghiệp tiêu tan. Nhà nước thì phải chi cả đống tiền để mua vắcxin, hóa chất, vật tư tiêu độc, khử trùng, hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Tiền của, công sức tổn hao là một chuyện. Dịch cúm gia cầm còn mang lại một hậu quả ghê gớm hơn nhiều, đó là bệnh cúm A/H5N1.
Ấy vậy mà, trong đợt kiểm tra gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) mới đây, cơ quan kiểm tra đã phát hiện có hàng nghìn gia cầm nhập lậu. Đáng báo động là gà loại thải được nhập khẩu khi dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các chủ hàng ở Hà Vĩ thu bộn tiền từ việc buôn bán gia cầm không an toàn. Một chợ gia cầm hoành tráng như thế, tiêu cực sao qua được mắt chính quyền? Người dân địa phương phản ánh, sở dĩ chợ gia cầm này cứ ung dung tồn tại là bởi nó mang lại nguồn thu kha khá cho địa phương? Hà Vĩ không phải là chợ cá biệt. Địa phương nào cũng có một vài “Hà Vĩ” với tình trạng buôn bán gia cầm không an toàn, những người có trách nhiệm làm một đằng, báo cáo một nẻo, hay nói cách khác là họ nhắm mắt làm ngơ cho tư thương buôn bán trái phép. Chính những chợ kiểu như vậy là một trong những nguyên nhân khiến cho cả nước nhiều năm qua cứ lao đao vì dịch.
Những con gà nhập lậu đang không chỉ gây tổn hại về kinh tế khi đó là thứ “gà trốn thuế”. Cũng không chỉ là mầm gây cúm suốt dọc “hai hành lang gà lậu”, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi các cuộc kiểm tra cho thấy có tới 20% lượng tồn dư vượt mức cho phép. Món lợi không hề nhỏ đã khiến một số người phớt lờ mối nguy hại cho cộng đồng để kiếm lợi cho cá nhân mình. Gia cầm nhập lậu, bán ra lãi gấp 4 đến 5 lần. Gia cầm ốm, chạy dịch vẫn bán với giá “gà sạch”. Theo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, gà thải loại nhập tại các chợ vùng biên giá khoảng 10.000 đồng/kg, khi về tới các chợ tại Hà Nội giá thường bán được ở mức 60.000 đến 70.000 đồng/kg. Tư thương trục lợi đã đành. Nhân viên kiểm dịch cũng có khoản thu nhập không nhỏ từ khoản lót tay của những chủ gà lậu. Cuối cùng, không chỉ người tiêu dùng lãnh hậu quả, mà Nhà nước cũng phải mất một khoản kinh phí đáng kể cho công tác phòng dịch và khắc phục những hệ lụy từ dịch cúm gia cầm.
Có thể, cái lợi thiển cận đã làm những người đứng đầu chính quyền địa phương không thấy, hay nói đúng hơn là lờ đi cái hại lâu dài, cái hại cho cả xã hội. Nói dại, một khi các chợ gia cầm không an toàn trở thành “ổ bệnh”, thì địa phương sở tại chính là vùng nguy cơ cao nhất.
Chuyện những con gà nhập lậu đã cho thấy không chỉ kỷ cương bị buông lỏng, khi chiếc xe chở gà là xe chuyên dụng chạy rầm rầm ngoài quốc lộ, mà đằng sau đó là sự bất an của người tiêu dùng, sự khốn quẫn của người nuôi gà chân chính. Nhưng mất mát lớn hơn cả là sự mất lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền ở các địa bàn cửa khẩu, ở những địa phương để các chợ gia cầm lậu ngang nhiên tồn tại. Thế nên, hiểm họa của gà lậu thật khó lường!
Yến Nhi