Hết mình vì học sinh vùng cao

Vượt qua những khó khăn về tinh thần và vật chất, những thầy cô giáo ở Trường tiểu học Mường Do, xã Mường Do, huyện Phù Yên (Sơn La) với tình yêu nghề và tâm huyết với học sinh vùng cao, đã kiên cường bám trụ ở vùng đất đặc biệt khó khăn này, ngày ngày “gieo chữ” cho con em đồng bào dân tộc.


 

Giờ lên lớp của cô giáo Đỗ Thị Thủy, Trường tiểu học Mường Do, huyện Phù Yên, Sơn La.

Nằm cách trung tâm huyện Phù Yên hơn 50 km, do địa bàn rộng, nên Trường tiểu học Mường Do phải tách thành 7 điểm trường ở cách xa nhau để thuận tiện cho học sinh đi học. Chỉ có điểm trường trung tâm là đóng ở khu vực đông dân cư, đi lại có phần thuận tiện, còn lại 6 điểm trường lẻ đều đóng ở những khu vực ít người, phải vượt qua hàng chục km đường đất quanh co mới đến được.


Gần 10 năm dạy học ở Trường tiểu học Mường Do, cô giáo Vi Thị Hải Hà đã thấu hiểu hết những gian nan, vất vả của học sinh vùng cao. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi mới lên đây dạy học, cô tâm sự: “Trường đóng ở vùng cao, mỗi khi mùa đông đến là sương mù lại bao phủ dày đặc, nhìn thấy mặt người còn khó, nên việc dạy học hết sức vất vả. Lúc tôi mới lên dạy, lớp học ở đây còn là những ngôi nhà tranh, vách nứa. Trường lại chưa có điện nên cô và trò phải chờ đến gần trưa, khi sương mù tan bớt mới có thể giảng bài”.


Không chỉ khó khăn trong việc dạy học, việc đi đến trường cũng gặp không ít khó khăn. Do nhà ở trung tâm huyện nên hàng tuần cô đều phải đi về để thăm gia đình. Cô nhớ lại, ngày đó để đi từ trung tâm huyện lên trường là phải vượt qua những con đường rải đá gồ ghề, với những con dốc cao, không thể tự mình đi được, chồng cô phải thường xuyên đưa đón. Sau một thời gian dạy học ở vùng cao, với tâm huyết của một nhà giáo, cô đã thuyết phục chồng chuyển lên sinh sống ở nơi mình làm việc và quyết tâm gắn bó với nơi đây, gắn bó với sự nghiệp dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.


Cô giáo Đỗ Thị Thủy tuy còn trẻ nhưng đã có gần 4 năm gắn bó với Trường tiểu học Mường Do. Cô Thủy cho biết: Có lên lớp vào mùa đông thì mới thấy hết được những vất vả của học sinh ở đây. Hầu hết các em đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hết sức khó khăn, không có điều kiện mua áo ấm cho các em, nhìn các em mặc những bộ quần áo mỏng manh, vừa ngồi học vừa run khiến cô không khỏi xót xa. Nhiều hôm thấy các em rét quá, không thể học tiếp nên đành phải cho các em nghỉ học. Thấy học sinh khó khăn như vậy, mỗi khi được về thăm gia đình là cô lại đến nhà hàng xóm, bạn bè để quyên góp những bộ quần áo cũ rồi mang lên cho các em. Dạy học ở vùng cao thiếu thốn, vất vả về vật chất là chuyện bình thường, nhưng đối với cô Thủy buồn nhất là việc phải gửi con nhỏ cho ông bà ở nhà để lên đây dạy học. Cô tâm sự, nhiều lúc sau giờ dạy về đến khu nhà ở giáo viên, thấy đồng nghiệp quây quần, vui vẻ bên gia đình khiến cô không khỏi chạnh buồn.


Thầy giáo Ngô Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Do cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều điểm trường đã từng bước được xây dựng kiên cố hơn, tuyến đường từ trung tâm huyện đến trường cũng đã được rải nhựa, nhờ đó giáo viên và học sinh đã thuận lợi hơn trong giảng dạy và học tập.


Rời Trường tiểu học Mường Do khi sương mù đã bắt đầu bủa xuống khắp núi rừng, đi ngang qua các lớp học giờ đây đã có điện thắp sáng, nhìn những khuôn mặt ngời sáng, ánh mắt chăm chú nghe thầy, cô giáo giảng bài của các em học sinh, có thể tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này.

 

Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN