Những biện pháp mạnh mẽ cứu thị trường chứng khoán của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu có hiệu quả khi Chỉ số Thượng Hải đã có 3 phiên tăng liên tiếp, nhảy từ mức 3.507 điểm hôm 8/7 lên 3.970 điểm ngày 13/7. Tuy nhiên, hậu quả từ sự sụt giảm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trước đó khó có thể khắc phục trong ngày một ngày hai.
Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm số đôngHơn một năm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, giá trị giao dịch, mà còn chứng kiến cả làn sóng nhà nhà người người mở tài khoán chứng khoán. Vấn đề là đối với một thị trường chứng khoán chín muồi ở nước ngoài, các nhà đầu tư tổ chức sẽ đóng vai trò chủ đạo và việc các nhà đầu tư cá nhân đánh bại được xu hướng thị trường là một điều vô cùng khó khăn. Theo thống kê của Sở Giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) từ tháng 10/2013 tới tháng 9/2014, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân là người bản địa chiếm 20% tổng giá trị giao dịch của thị trường. Tỉ lệ này của các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Hong Kong là 5%. Như vậy, tổng giá trị giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân ở Hong Kong chỉ chiếm 25%. Tuy nhiên, tổng số nhà đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc đã vượt qua con số 90 triệu và chiếm 80% giá trị giao dịch.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. |
Trong bối cảnh mà truyền thông chính thức của Trung Quốc cho rằng 4.000 điểm mới là sự khởi đầu của xu thế gia tăng trên thị trường chứng khoán nước này với động lực nội tại đến từ cải cách kinh tế và chiến lược phát triển vĩ mô, các nhà đầu tư cá nhân đã “lăn xả” mua vào, khiến giá cổ phiếu không ngừng tăng. Vào ngày 29/5/2015, tỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) bình quân của thị trường chứng khoán Thượng Hải là 21,92 lần còn của thị trường chứng khoán Thâm Quyến là 61,41 lần, quá cao so với thực tế và càng thiếu thuyết phục khi đối chiếu với biểu hiện của nền kinh tế Trung Quốc nhiều quý gần đây.
Tuy nhiên, được thúc đẩy bởi kỳ vọng Chỉ số Thượng Hải sẽ còn tiến xa, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn bất chấp cảnh báo từ sự sụt giảm kỉ lục vào hôm 28/5/2015. Quả thực, Chỉ số Thượng Hải đã vượt ngưỡng 5.000 điểm và vào ngày 12/6/2015 đóng cửa ở mức 5.166 điểm. Nhưng hôm sau, chấn động bắt đầu. Tới ngày 8/7, Chỉ số Thượng Hải đã mất 32% và làm bốc hơi hơn 3.400 tỉ USD. Trong thời gian này, những biện pháp cứu thị trường, bao gồm (lần đầu tiên sau 7 năm) giảm đồng thời cả lãi suất lẫn tỉ lệ dự trữ bắt buộc, cho phép quỹ lương hưu tham gia mua cổ phiếu, tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, giảm phí giao dịch... chỉ mang lại hiệu quả trong một phiên. Chỉ đến khi gần một nửa doanh nghiệp niêm yết tạm dừng giao dịch, chính phủ nâng cấp biện pháp cứu thị trường, cấm cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao bán cổ phần trong 6 tháng, tiến hành điều tra hành vi bán khống ác ý..., Chỉ số Thượng Hải mới có ba phiên phục hồi, nhưng từ hôm 14/7 lại có dấu hiệu đổ đèo.
Rõ ràng, trong một thị trường mà số đông là các nhà đầu tư cá nhân, vấn đề tâm lý rất quan trọng. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, đợt gia tăng trước khi sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa qua thiếu sự hỗ trợ từ nền kinh tế thực, chủ yếu là do đòn bẩy tài chính. Cho nên, khi tình trạng báo động số dư hay còn gọi là “call margin” xảy ra đã kéo theo làn sóng bán tháo cổ phiếu. Đặc biệt, sau hai lần giảm mạnh vào hôm 19/6 và hôm 26/6, tâm lý của nhiều nhà đầu tư đã thay đổi, chuyển sang bi quan hơn. Cơn chấn động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc rốt cuộc đã sầm sập kéo đến, cuốn đi lượng vốn hóa hơn cả tổng giá trị của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Hệ quả còn ở phía sauSau khi tăng 150% vào năm 2014, từ ngày 12/6/2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu sụt giảm và tới ngày 9/7/2015 bắt đầu hồi phục, Chỉ số Thượng Hải đã quay về mức của ba tháng trước. Về mặt kĩ thuật, đây là lần điều chỉnh sau quá trình tăng nóng. Tại sao thị trường chứng khoán Trung Quốc mới giảm hơn 30% đã khiến chính phủ nước này phải lên tiếng cảnh báo? Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, quan trọng nhất là chính phủ Trung Quốc rất lo ngại xảy ra rối loạn xã hội. Chuyên gia gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Credit Suisse Đào Đông cũng cho rằng ngoài việc sử dụng chính sách kinh tế để ứng phó với thảm họa chứng khoán, cân nhắc về chính trị cũng rất quan trọng. Do thị trường chứng khoán Trung Quốc là một trong những thị trường có tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia cao nhất thế giới, cho nên, một thảm họa chứng khoán với quy mô lớn như vậy sẽ ảnh hưởng tới ổn định xã hội.
Để tránh sự sụt giảm của thị trường chứng khoán sẽ gây ra mất ổn định xã hội, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng “bàn tay hữu hình”. Ba phiên tăng liên tiếp đã giúp Chỉ số Thượng Hải lấy lại được 465 điểm, tương đương tăng 13,2% so với hôm 8/7/2015. Tuy nhiên, theo sách lược gia cổ phiếu châu Á-Trung Đông của Ngân hàng Barclays Lư Thụy Bân, việc chứng khoán Trung Quốc tăng quá nhanh có thể sẽ lại đốt nóng tinh thần của các nhà đầu tư nước này, thổi bong bóng thêm to. Nếu bong bóng không ngừng phình lên và vỡ, niềm tin của các nhà đầu tư trong, ngoài Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Tổng Giám đốc Nghiên cứu Thị trường của Công ty Chứng khoán Bright Smart của Hong Kong, ông Trần Vĩ Thông cũng cho rằng mỗi lần ra tay cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc chỉ có thể cải thiện không khí trên thị trường trong thời gian ngắn. Vấn đề là các biện pháp cứu thị trường đó đã can dự nghiêm trọng tới khả năng tự điều tiết (bàn tay vô hình) của thị trường, khiến nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin và như vậy thị trường chứng khoán không còn ý nghĩa nữa (vì thị trường chứng khoán được gọi là thị trường của niềm tin). Bên cạnh đó, theo sách lược gia hàng đầu về thị trường châu Á thuộc bộ phận quản lý tài sản của J.P. Morgan Hứa Trường Thái, các biện pháp cứu thị trường phi truyền thống của Trung Quốc có thể dẫn tới những rủi ro về đạo đức (trên thị trường) và tăng thêm trở lực để chứng khoán nước này được đưa vào Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI.
Một hệ quả đáng chú ý khác là lần sụt giảm nghiêm trọng này của thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ đẩy lùi tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Theo bà Đào Đông, lần sụt giảm nghiêm trọng này cho thấy những sáng tạo về tài chính của Trung Quốc đã tạo ra không ít rủi ro mới. Chính vì thế, nhà kinh tế học Trần Thế Uyên phụ trách nghiên cứu ngành nghề của hãng tin Bloomberg cho rằng sau lần sụt giảm nghiêm trọng này của thị trường chứng khoán, Trung Quốc càng không dám mở cửa thị trường tài chính nữa. Vì một khi mở cửa sẽ có thêm nhiều dòng tiền từ bên ngoài chảy vào Trung Quốc để trục lợi. Đồng thời, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sẽ khó có thể hoàn thành trong năm 2015 này.