Giữa tháng 6/2017, hai cục thuế lớn của thành phố đã nhắn tin, gửi thư yêu cầu kê khai thuế tới các cá nhân, hộ gia đình đang kinh doanh trên mạng. Sau 1 tháng triển khai tại TP Hồ Chí Minh chỉ có gần 1.000 trên tổng số 13.500 người thuộc diện phải kê khai thuế tới cơ quan thuế để làm việc. Con số này ở Hà Nội cũng hết sức khiêm tốn, chỉ có khoảng 1.000 người trên tổng số 13.000 cá nhân nằm trong diện phải kê khai nộp thuế.
Theo văn bản thông báo của Cục thuế thành phố Hà Nội, đối với những cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sẽ phải tiến hành kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh của mình đối với cơ quan thuế. Yêu cầu này được áp dụng đối với tất cả những đối tượng nhận được tin nhắn từ cơ quan thuế. Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhưng chưa đăng ký thuế cần phải phản hồi thông tin lại cho cơ quan thuế theo mẫu khảo sát được đăng tải trên website của cơ quan thuế vụ. Theo đó, người tham gia phải khai báo rõ tên Fanpage thực hiện hoạt động bán hàng online; tình trạng hoạt động của Fanpage (đang hoạt động hay đã dừng hoạt động).
Những người tham gia hoạt động kinh doanh qua mạng còn phải trả lời các thông tin như: địa chỉ kinh doanh, sản phẩm kinh doanh và mức doanh thu trong năm trước đó. Mức doanh thu này được chia thành hai đề mục là trên 100 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sơ bộ từ báo cáo của 16/24 chi cục thuế tính đến ngày 19/7, còn 12.400 tài khoản chưa đăng ký thuế phải mời lên làm việc. Tính đến nay, Cục đã gửi tin nhắn điện thoại thông báo cho 11.000 tài khoản, website; các chi cục thuế trên địa bàn đã gửi thư mời tới 5.300 địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, số các tổ chức cá nhân đến làm việc chỉ có 1.206 người, chiếm chưa đến 10% tổng số. Trong số này, cục thuế đã xác định có 643 tài khoản có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải nộp thuế, chiếm 5,1% với tổng số thuế kê khai trung bình là 362 triệu đồng/tháng.
“Số người đến làm việc theo thư mời rất ít, số thuế phải nộp đối với nhóm kinh doanh tự giác kê khai doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng cũng rất nhỏ”, đại diện Cục thuế TP.Hồ Chí Minh nói.
Theo ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế Hà Nội, trước hết, cơ quan thuế sẽ cố gắng tuyên truyền để người nộp thuế thực hiện đúng quy định.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ: Doanh nghiệp khi nhận được thông tin của cơ quan thuế thì nên đến kê khai còn hơn là để cơ quan thuế phải thực hiện các biện pháp thanh, kiểm tra. Thực hiện kê khai không đồng nghĩa là phải nộp thuế. Theo quy định của Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015, chỉ các cá nhân hoạt động thương mại kinh doanh thì có doanh thu trên 100 triệu/năm mới phải nộp thuế. Với trường hợp thu từ 100 triệu trở xuống, cá nhân phải đăng ký thuế, kê khai thuế nhưng không phải nộp thuế. Trong năm đó nếu quy mô kinh doanh người nộp thuế có thay đổi, thì thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh theo quy định.
Anh N.N.Dương (phố An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội), chủ của một số Fanpage bán hàng online chia sẻ là đã nhận được tin nhắn của cơ quan thuế mới tới làm việc. “Tôi sẽ hoàn tất việc kê khai theo đúng yêu cầu của cơ quan thuế vụ nhưng cũng băn khoăn vì sao một số người bạn của anh cũng bán hàng online mà lại không nhận được tin nhắn”, anh Dương chia sẻ.
Bên cạnh những cá nhân tự giác đăng ký, kê khai thuế, cũng có một số chủ tài khoản kinh doanh thương mại điện tử sau khi nhận được tin nhắn thông báo còn đang băn khoăn, chưa phân định rõ việc đăng ký, kê khai thuế và việc nộp thuế; chưa rõ quy định về việc xác định thu nhập và các khoản thuế phải nộp nên còn đang chần chừ chưa cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Theo đại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh, kết quả ban đầu còn thấp, nhưng có chuyển biến tích cực. Ngoài những tài khoản chưa đến làm việc, một số cá nhân kinh doanh qua Zalo, Youtube, tuy không nhận được thư mời nhưng cũng chủ động tới cơ quan thuế để tìm hiểu.
"Tuy nhiên, chỉ riêng cơ quan thuế sẽ không thể quản lý hiệu quả kinh doanh trên Facebook nếu chúng ta còn duy trì thanh toán phổ biến bằng tiền mặt, trong khi các cá nhân có tâm lý né thuế, không kê khai trung thực", bà Hương nói.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho hay: Tâm lý chung của các chủ tài khoản là chờ đợi nghe ngóng động thái của cơ quan thuế rồi mới tính đến việc kê khai. Không ít trường hợp cho rằng, mình kinh doanh nhỏ lẻ, là việc làm thêm, vài năm trước lợi nhuận khá nhưng gần đây, đông cá nhân kinh doanh trên mạng nên cạnh tranh khốc liệt, dẫn tới doanh thu thấp nên không cần phải kê khai thuế.
Vì vậy, mục tiêu của cơ quan thuế trước mắt chưa phải là con số thuế thu được là bao nhiêu, mà quan trọng hơn là qua đó, dần dần nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế. “Chúng tôi xác định kết quả không thể đạt được ngay trong ngày một ngày hai mà phải tính bằng năm”, bà Hương nói.
Với những tài khoản chây ì, sau khi đã vận động nhiều lần mà chủ kinh doanh không hợp tác thì cục thuế sẽ công khai danh sách này lên các phương tiện đại chúng để cảnh báo. Về lâu dài ngành thuế kiến nghị: Ngành ngân hàng cần quy định mọi hoạt động kinh doanh phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng, qua thẻ, hạn chế giao dịch tiền mặt. Chỉ như vậy thì công tác quản lý thu thuế mới chặt chẽ hơn.