Hàng ăn đắt khách ngày đầu đi làm

Ngày đầu tiên đi làm chính thức sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các quán ăn, nhà hàng ăn uống… tại Hà Nội đều đắt khách, giá đồ ăn cũng vẫn theo “giá Tết”, tăng hơn so với ngày thường trung bình từ 20 - 30%.

 

Quán ăn, nhà hàng đắt khách


Nắm bắt nhu cầu của khách hàng đầu năm, ngay từ mùng 4, mùng 5 Tết, nhiều cửa hàng ăn uống đã mở cửa trở lại nhưng khách chưa nhiều. Tuy nhiên, đến mùng 8, mùng 9, khi các cơ quan, công sở… bắt đầu đi làm trở lại bình thường thì các hàng quán mới nhộn nhịp. Ngày đầu tiên đi làm, anh Thắng (Hoàn Kiếm) cùng các đồng nghiệp ở công ty rủ nhau ra quán bia Hải Xồm ăn trưa để “chào mừng năm mới”. Quán rất đông khách. Cả nhóm gọi một nồi lẩu cá nhưng chờ đến 30 phút mà vẫn chưa thấy nhân viên mang đồ ra. Thắc mắc thì được nhân viên phục vụ giải thích vì quán đông nên làm chậm hơn thường ngày, cuối cùng cả nhóm phải chờ đến gần một tiếng thì đồ ăn mới được mang ra.


 

Sau Tết, quán ăn vỉa hè cũng rất đắt khách.

 

Tương tự trường hợp của anh Thắng, sau Tết, nhiều thực khách cũng phải chịu cảnh đợi dài cổ mới được phục vụ tại các quán bia trên đường Lê Duẩn. Quán bia nhà anh Đạt trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) luôn đông khách từ 27, 28 Tết kéo dài đến sau Tết. Anh Đạt cho biết: “Mùng 8 Tết, lượng khách vẫn rất đông. Tuy nhiên, đồ ăn bán không chạy như trước Tết, chủ yếu khách chỉ uống bia”. Nhà anh Đạt còn phải huy động cả người nhà, người quen đến trông hàng giúp do nhân viên chưa đi làm đủ.


Chị Hiền Dịu, làm việc tại Cung Trí thức Hà Nội (phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy) than thở: “Bình thường quanh nơi làm việc của tôi đã ít quán ăn do đây là khu phố mới. Sau Tết đi làm, tìm quán ăn còn khó hơn. Tôi phải lên tận khu chợ Nghĩa Tân cách cơ quan 2 km mới có chỗ để ăn trưa”.

 

Tranh thủ “chém” khách


Vì đông khách, nhiều quán ăn, nhà hàng đã tranh thủ “chặt chém” thực khách trong ngày đầu tiên đi làm. Chị Mai (nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày đầu năm mới thì hàng quán đều đông. Trưa nay mình đi ăn tại quán bún cá bình dân ở gần chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) phải đợi cả tiếng mới được phục vụ. Đã vậy giá mỗi bát bún còn tăng hơn ngày thường 10.000 đồng, lên mức 35.000 đồng/bát. Khi mình thắc mắc thì chủ quán lí giải rằng đầu năm, giá thịt, rau… đều tăng nên họ cũng phải tăng giá”.


Dù còn gần 1 tuần nữa mới đến ngày đi học nhưng Linh, sinh viên năm thứ 4 (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã phải về Hà Nội từ mùng 6 Tết để đi làm thêm. “Mấy ngày nay, em đều ăn cơm ở quán sinh viên, chỉ một vài hàng mở cửa nên họ bán đắt hơn ngày thường. Bình thường, một suất cơm chỉ 25.000 đồng là đủ các món, nhưng giờ tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/suất”, Linh cho biết.


Theo khảo sát của phóng viên, các quán ăn quanh các đền, chùa chính là nơi “thừa nước đục thả câu”, “chặt chém” du khách mạnh tay nhất. Anh Tiến Đạt (Hoàng Mai, Hà Nội), sau khi đi lễ chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than liền rẽ qua một cửa hàng bún ốc có tiếng gần đó trên phố Hòe Nhai. Vừa vào tới quán, đập vào mắt anh Đạt là tấm biển: “Giá bún ốc đồng loạt là 50.000 đồng/bát. Từ ngày mùng 10 Tết, giá trở lại bình thường”. Anh Đạt bức xúc: “Giá bún ngày thường chỉ là 30.000 đồng/bát. Ngày Tết khách đến ăn đông, quán tăng giá cao quá”. Việc cửa hàng này lấy lí do “Tết” để tăng giá vô tội vạ đã trở thành “luật bất thành văn”, không riêng gì năm nay mà các năm trước cũng như vậy.


Còn chị Ngân ở Văn Điển đưa hai con đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì không khỏi choáng váng khi trả tiền 2 bát phở bò. Chị Ngân bức xúc: “Tham quan xong, mấy đứa bé đói bụng đòi ăn phở, ba mẹ con ăn hai bát phở bò, đứng lên chủ quán đòi 120.000 đồng/2 bát, đắt gấp đôi ngày thường”.


Tuy nhiên, theo khảo sát, việc tăng giá vô tội vạ chủ yếu diễn ra ở một số cửa hàng nhỏ, bán rong, hoặc hàng quán tạm bợ bán thời vụ trong dịp Tết. Còn nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn giữ giá hoặc chỉ tăng 5 - 10% so với trước Tết. Chẳng hạn cửa hàng bún riêu, phở, miến trộn bà Ngọ tại phố Lê Ngọc Hân, giá mỗi bát bún/phở vẫn giữ ở mức 25.000 đồng. Chị Lan, chủ quán bún riêu tại Cầu Giấy cũng cho biết: “Mặc dù giá thực phẩm tăng nhưng nhà hàng vẫn giữ giá cũ vì khách đến ăn đều là khách quen, nhà hàng muốn giữ uy tín với khách”.


Thu Trang - Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN