Hà Nội ráo riết xử lý ổ dịch cúm A/H3

Từ ngày 17/1 đến nay, tại trường THPT Trí Đức, Từ Liêm, Hà Nội đã ghi nhận 54 trường hợp có biểu hiện của nhiễm cúm A/H3. Đây là ổ dịch cúm lớn đầu tiên của năm 2014.


Lập khu điều trị cách ly tại trường học


Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TT YTDP), ngay sau khi nhận được thông báo của BV Bệnh nhiệt đới TƯ về nhiều trường hợp học sinh trường THPT Trí Đức nhập viện do sốt, đau họng, ho...; TT YTDP Hà Nội đã phối hợp với TTYT huyện Từ Liêm nhằm điều tra, xử lý ổ dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan.

 

Điều trị cho bệnh nhân cúm A/H3 tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ. Ảnh: PN


Điều tra dịch tễ cho thấy, trường THPT Trí Đức có tổng số 709 học sinh,100% nội trú tại trường; đội ngũ giáo viên và nhân viên phục vụ khoảng hơn 120 người. Bệnh nhân tập trung ở 13 lớp học, lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là học sinh lớp 10 với 39 ca, tương đương 72%. Triệu chứng gồm: sốt (100%), đau họng (70%), ho (26%), một số ít học sinh bị sổ mũi. Rất may là tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện bệnh nhẹ, không bị khó thở.


“Kết quả lấy mẫu test nhanh từ ngày 19 - 21/1 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho thấy, 9/22 mẫu dương tính với cúm A. 4/4 mẫu xét nghiệm ngày 21/1 của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng cho kết quả dương tính cúm A/H3 (cúm mùa). Ngày 22/1/14, TT YTDP Hà Nội lấy 13 mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhưng hiện chưa có kết quả”, Nguyễn Nhật Cảm cho biết.

Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu “Hàng chục học sinh nhiễm cúm A/H1N1 là không chính xác. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho thấy 4/4 mẫu đều dương tính với virút cúm A/H3, mà theo tôi đó là H3N2 - một loại cúm mùa, vẫn lưu hành thường xuyên như cúm A/H1N1.

Ông Nguyễn Nhật Cảm,
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội


Để kịp thời khoanh vùng, xử lý ổ dịch, TTYTDP HN đã chỉ đạo thành lập khu điều trị cách ly ngay tại trường THPT Trí Đức; giao cho y tế trường học (6 người) phối hợp với TTYT quận và TTYT xã Mỹ Đình theo dõi, điều trị cho các ca bệnh; khi có ca bệnh diễn biến nặng thì cho chuyển BV ngay.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã tổ chức xử lý hóa chất toàn bộ khu lớp học và ký túc xá của trường. Tiếp tục hướng dẫn phòng y tế trường, ban giám hiệu trường THPT Trí Đức các biện pháp cải thiện môi trường, sức khỏe cho các học sinh và cán bộ nhân viên của nhà trường. TTYT huyện Từ Liêm cũng đã mời thú y huyện tới lấy mẫu chim bồ câu mà trường Trí Đức đang nuôi (khoảng 30 con). Đồng thời, tổ chức tập huấn các biện pháp phòng chống dịch cho toàn bộ cán bộ, nhân viên và học sinh trong trường.


Nguy cơ lan rộng


Theo các chuyên gia dịch tễ, ổ dịch cúm tại trường THPT Trí Đức hiện chưa xác định được nguồn truyền nhiễm ban đầu. Trong khi đó, mật độ học sinh khá đông đúc cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi cho virút cúm phát triển nên nhiều khả năng dịch cúm vẫn tiếp tục lây lan.


Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch, TTYTDP HN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diến biến ổ dịch, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và cách ly điều trị kịp thời. Tiếp tục sử dụng khẩu trang cho cán bộ và học sinh toàn trường nhằm hạn chế dịch lây lan. Hàng ngày, vệ sinh trường học bằng các chất sát khuẩn thông thường, xử lý hóa chất sát khuẩn toàn bộ trường học 2 lần/tuần. Đồng thời, nghiêm cấm học sinh ra ngoài ký túc xá, hạn chế việc thăm nom.Trường THPT Trí Đức tiếp tục bố trí cán bộ y tế trực 24/24 giờ, phát hiện sớm các trường hợp diễn biến nặng chuyển viện sớm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm trên thế giới ghi nhận khoảng 5.000.000 trường hợp mắc cúm mùa nặng và có từ 250.000 đến 500.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ không qua được trong số các trường hợp nặng là 5 - 10%.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ


Theo BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, hiện là thời điểm các tỉnh phía Bắc bước vào mùa cúm vì thế người dân cần cảnh giác. Không chỉ cúm gia cầm (A/H5N1, A/H7N9) mới nguy hiểm mà cúm mùa thông thường (A/H3N2, A/H1N1) cũng có thể gây bội nhiễm viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong do suy hô hấp, suy đa tạng.


Điều đáng lưu ý là bệnh nhân nhiễm các virút cúm mùa hoặc cúm gia cầm đều có giai đoạn đầu mắc bệnh giống nhau, với các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tuy nhiên, tùy độc lực khác nhau của từng tác nhân gây bệnh và tùy theo cơ địa của người bị nhiễm cúm, thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn như sốt cao, khó thở, viêm phế quản, viêm phổi, suy đa phủ tạng... thậm chí tử vong. Việc nhận biết ca bệnh thuộc loại cúm nào cũng chỉ có thể phân biệt được các căn nguyên virút khác nhau chính xác bằng các xét nghiệm sinh học phân tử, hiện đang được triển khai chủ yếu ở viện Vệ sinh dịch tễ TƯ các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực.


Do đó, để phòng bệnh, người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Khi bị cúm thì nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi. Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Để tránh những biến chứng đáng tiếc, những trường hợp sốt cao, khó thở, nhất là từ vùng dịch về hoặc từng tiếp xúc với người bệnh thì cần đến cơ sở y tế ngay để được khám, điều trị kịp thời.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN