Gửi trọn niềm tin với Đảng

Sáng 12/1, qua sóng phát thanh, truyền hình, triệu triệu người dân trong cả nước hướng về Thủ đô Hà Nội theo dõi phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.


Cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân trong cả nước gửi trọn niềm tin vào thành công của Đại hội, mở ra một thời kỳ phát triển mới, rạng rỡ cho đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn mà Đại hội Đảng XI đề ra.

Là đại biểu khách mời tại Đại hội Đảng XI, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tâm đắc với quan điểm của Đảng: Dân là gốc, sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ cách mạng là của dân chứ không phải tự nhiên mà có.


Ông Phạm Thế Duyệt cho biết trong công cuộc đổi mới, quan điểm này của Đảng ngày càng quán triệt, thể hiện bằng nhiều việc làm, nhiều chính sách hành động tốt.


Nhiều nghị quyết ra đời thể hiện ý thức của Đảng chăm lo tốt hơn cho dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ như nghị quyết về “tam nông”, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...


Nhà nước đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành chính sách chăm lo cho người nghèo, cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho việc xây dựng đất nước để cải thiện đời sống nhân dân.


Những chính sách đó đã phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Ông Phạm Thế Duyệt mong rằng các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị là những đồng chí tiêu biểu, xứng đáng, được dân tin tưởng cả về mặt trí tuệ, năng lực, đạo đức cách mạng và là tấm gương sáng trong Đảng.


Cần khắc phục sự yếu kém, quan liêu, tham nhũng, biểu hiện xa dân, thiếu lắng nghe, thiếu tôn trọng ý kiến của nhân dân.

“Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khai mạc đã tạo niềm phấn khởi không chỉ cho mỗi đảng viên mà cho cả đất nước. Đại hội XI được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều định hướng phát triển mới cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Cotec (TP. Hồ Chí Minh) Đào Đức Nghĩa bày tỏ.


Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Là một đảng viên, tôi luôn mong đợi vào sự vững mạnh của Đảng - trụ cột của đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển của đất nước. Rất mong Đại hội lần này sẽ tiếp tục đem lại sinh khí mới và niềm tin mới cho nhân dân”.

Là cán bộ lão thành cách mạng từ năm 1936 của tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Tuấn Sơn mong muốn Đảng, Nhà nước làm tốt hơn nữa việc hiện thực hóa các đường lối trong thực tế thông qua thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát; tránh tình trạng đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật đúng nhưng do triển khai chưa tốt, giám sát chưa tốt nên cơ sở thực hiện chưa đúng, do đó hiệu quả chưa cao, làm giảm uy tín của Đảng.

Ông Hoàng Văn Sỷ, đảng viên hơn 40 năm tuổi Đảng, người dân tộc Giáy ở thôn Luổng Đơ, xã Cốc San (Bát Xát) nói: Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của nhân dân xã Cốc San còn khó khăn, vất vả nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nay người dân đã được tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế.


Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo, có những hộ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


Đặc biệt, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình tại xã, thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bà con được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi nên đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng lên.


Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Sỷ, Đảng, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách đầu tư cho nông thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Là một cán bộ dân tộc ở tỉnh có đông đồng bào Kh’mer nhất cả nước, ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phấn khởi nói: “Tôi rất kỳ vọng vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bởi quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu tổ chức đến công tác lựa chọn nhân sự, văn kiện đại hội.


Mong sự đoàn kết trong Đảng tiếp tục được phát huy, mỗi đại biểu sẽ là một nhân tố đem đến thành công cho đại hội”.

Hòa thượng Thích Đức Thanh – Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế cho rằng: Chính sách nổi bật của Đảng là đã đưa nước ta chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tiếp thu tri thức tiến bộ, không ngừng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa tôn giáo.


Thành công nhất của Đảng là phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo; có nhiều sách lược mang tầm chiến lược; có quan hệ chiến lược với các nước lớn…


Đảng luôn thực hiện đúng phương châm: Tiếng nói của người dân là tiếng nói quyết định, mệnh lệnh của nhân dân là mệnh lệnh cao nhất. Đảng thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mỗi tôn giáo hoạt động trong cộng đồng xã hội. Mỗi tôn giáo đều có bước phát triển mạnh mẽ; các cơ sở thờ tự, tăng ni, phật tử không ngừng tăng lên…

Là một người lính nhiều năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên chiến trường Quảng Trị, Trung tá Vũ Đình Thản, nguyên cán bộ Học viện Chính trị quân đội bày tỏ: Mỗi công dân đều kỳ vọng vào Đại hội, mong Đại hội mở ra những bước đi tiếp theo, cụ thể hóa hơn về đường lối, phù hợp với tình hình phát triển trong nước và thế giới.


Ông mong Đảng tiếp tục mở rộng liên kết khu vực và quốc tế, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Về Chiến lược phát triển đất nước, mong Đảng tiếp tục đẩy nhanh phát triển kinh tế và đặc biệt là nhanh chóng giảm được khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, thông qua những biện pháp cụ thể và cần có trọng tâm trọng điểm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các ban, ngành thực hiện.

Là người đã theo dõi nhiều kỳ Đại hội của Đảng, GS.TS. Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội nhận thấy mỗi lần Đại hội là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng, thể hiện sự dày dạn và bản lĩnh của Đảng ta.

Giới trí thức Thủ đô bày tỏ quyết tâm phấn đấu để góp phần thực hiện các nghị quyết của Đại hội, với mong muốn cháy bỏng là được sự quan tâm, tin cậy của Đảng và được tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau tập trung sức vào nghiên cứu, sáng tạo, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đưa nền khoa học của đất nước ngang tầm với các nước trong khu vực, đúng với vị trí chính trị của Việt Nam, làm cho khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự) đặc biệt quan tâm tới đường lối, chính sách của Đảng trong lĩnh vực cải cách tư pháp.


Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo công tác cải cách tư pháp như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), đặc biệt là Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và quyết tâm rất lớn của Đảng đối với công tác cải cách tư pháp.


Phần lớn những chủ trương này đều phát huy hiệu quả trong đời sống, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, bảo đảm được tính công khai, dân chủ và nghiêm minh; bảo vệ được các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; vai trò của luật sư ngày càng được nâng cao, góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng đấu tranh phòng chống tội phạm và phát triển xã hội.

Sáng 12/1, cùng với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, người dân Đà Nẵng háo hức đón chờ một sự kiện chính trị trọng đại nhất trong năm 2011 - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng bày tỏ vui mừng là trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã tiếp tục xem giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.


Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, ông kỳ vọng Đại hội lần này sẽ nhấn mạnh những chủ trương lớn về đổi mới giáo dục để đáp ứng yêu cầu hội nhập trong giai đoạn mới.


Đầu tư có trọng điểm cho các cơ sở đào tạo lớn để đào tạo nguồn nhân lực chuẩn hóa, làm cốt lõi để nhân rộng mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Bạn Trần Thanh Liêm, sinh viên năm thứ 4, khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Bách khoa lại muốn gửi đến Đại hội một nguyện vọng rất thiết thực là Đảng cần quan tâm, bồi dưỡng kết nạp nhiều đảng viên trẻ là sinh viên năm thứ hai, năm thứ ba đại học, để họ có nhiều đóng góp cho khoa, cho trường trước khi rời giảng đường đại học.

Chị Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất Đà Nẵng phấn khởi cho biết: Công nhân viên chức trong các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cũng rất vui mừng và phấn khởi hướng về Đại hội với niềm tin tưởng và kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra Nghị quyết để lãnh đạo đất nước; quan tâm hơn nữa đến giai cấp công nhân, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao tay nghề...

Chăm chú theo dõi phiên khai mạc, bác Lê Thanh, trú tại tổ dân phố 44, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng, năm nay bước sang tuổi 90, với 70 năm tuổi Đảng, tự hào nói: Mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong những năm bước vào giai đoạn đổi mới đã tạo nên những kỳ tích cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao; đưa đất nước ta từ một nước nghèo, trở thành một đất nước có tầm cỡ trong khu vực, đó chính là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng.


Diễn văn và báo cáo tại Đại hội đã nêu bật những thành tựu của Đảng và nhân dân ta trong thời gian qua đồng thời cũng chỉ rõ những tồn tại, thiếu sót. Đảng ta làm được việc đó, tôi thật sự tâm đắc và cảm động sâu sắc.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN