Anh Chỉnh kể: "Địa lan chính là loại cây tạo nên điểm nhấn của bản du lịch Sin Suối Hồ. Bản mình giờ đây 100% hộ đều trồng địa lan; hộ ít thì chục chậu, nhiều thì hàng trăm chậu. Ai ai cũng trồng và mục đích đầu tiên là để trang trí nhà cửa, cho bản thêm đẹp, để làm du lịch. Hơn nữa, khi khách muốn thì mình có thể bán, nguồn thu rất khá.
Trưởng bản Chỉnh chăm sóc giò địa lan. |
Cuối năm 2015 vừa qua, cả bản thu nhập từ việc bán địa lan được gần 1,5 tỷ đồng; nhà nào bán nhiều nhất được 200 - 300 triệu đồng". Thấy rõ nguồn thu từ việc trồng địa lan, Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã tích cực chia sẻ những kinh nghiệm chăm bón, bóc tách lan của mình cho người dân trong bản, bởi vậy mà số lượng địa lan ngày càng tăng, được nhiều du khách ưa chuộng và mua về làm quà.
Ngôi nhà của Trưởng bản Vàng A Chỉnh giản dị như những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, là tường trình đất truyền thống và mái lợp ngói đen. Một điều dễ thấy ở bản, đó là dù trong nhà, ngoài sân vườn hay đường sá cũng luôn sạch sẽ, tuyệt đối không thấy rác, hay chất thải của gia súc. Để làm được điều này, anh Chỉnh cho biết: "Qua các buổi họp dân, bản đã phân chia rõ ràng mỗi gia đình tự dọn dẹp, bảo vệ một đoạn đường. Việc giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường ngõ bản cũng được đưa vào quy ước chung do bản lập ra. Đồng thời bản thân cũng thường xuyên tuyên truyền để bà con hiểu rõ việc giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch".
“Khách du lịch khi đến đây, gặp bất kể ai từ người già đến trẻ nhỏ đều được chào hỏi và hướng dẫn nhiệt tình bằng cả tấm lòng, chứ không hề đòi hỏi phải được trả thù lao. Đó cũng là một trong những quy định mà người dân trong bản phải thực hiện để xây dựng một bản du lịch thu hút du khách. Tôi mong muốn tạo được một thương hiệu cho du lịch Sin Suối Hồ bằng chính phong cách của đồng bào chúng tôi”, Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết.