Kỹ thuật canh tác nương rẫy của người Mảng

Do cuộc sống khó khăn nên kinh tế của người Mảng ở Lai Châu phụ thuộc phần lớn vào nương rẫy, rừng cây, đỉnh núi. Nương rẫy là nguồn sống chính của đồng bào Mảng, nhưng kỹ thuật và trình độ canh tác còn rất thấp. Họ sử dụng công cụ lao động giản đơn như gậy để chọc lỗ, tra hạt, dùng rìu để chặt cây, dùng dao để phát nương rẫy, vì vậy năng suất lao động không cao.

Việc chọc lỗ tra hạt của người Mảng khác với các dân tộc khác là họ thường tiến hành từng đôi, từng cặp vợ chồng. Đàn ông đi giật lùi phía trước, cầm gậy chọc lỗ thành từng hàng ngang dọc có khoảng cách hợp lý. Phụ nữ đi sau, deo hạt giống, vừa đi, tay vừa bỏ hạt vào các lỗ rồi dùng chân lấp đất lại. Họ làm nhịp nhàng ngang theo nương, lần lượt từng hàng từ phía dưới chân nương lên đến đỉnh.

Do nương rẫy dốc, việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn, năng suất thấp.

Thời vụ gieo trồng trên nương của người Mảng bắt đầu từ tháng hai, tháng ba âm lịch, thời gian thu hoạch vào cuối tháng mười âm lịch. Chu trình làm nương có thể khái quát: Đốt nương - tra hạt - làm cỏ và thu hoạch. Họ không có tập quán làm cỏ hay bón phân. Công việc thu hoạch trên nương rẫy chủ yếu do người phụ nữ gánh vác. Người Mảng thu hoạch lúa trên nương không dùng liềm hoặc dao mà họ dùng một dụng cụ nhỏ gọi là rả íp để cắt hoặc hái lúa.

Thóc, ngô thu xong để lại ở kho trên nương.

Nương rẫy của người Mảng chủ yếu trồng lúa và ngô, sắn. Lúa nếp, lúa tẻ là cây nương thực chính, trồng mỗi năm 1 vụ, năng suất từ 1 đến 2 tạ/ha. Trình độ canh tác còn đơn sơ nên hầu như nương của người Mảng chỉ khai thác, trồng trọt được vài vụ rồi bỏ hẳn. Kết quả lao động sản xuất nương rẫy của người Mảng chủ yếu phụ thuộc vào sự ưu đãi của thiên nhiên. Năm nào thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa thì thu hoạch cao, nếu gặp phải thiên tai, hạn hán thì thất thu. Vì vậy, dù bỏ công sức lao động nhiều nhưng do phương thức sản xuất lạc hậu, điều kiện đất canh tác khô cằn nên năng suất các loại cây trồng không cao.

Lúa được phơi khô, cất tại kho trên nương khi ăn thì dùng gùi, gùi về dần.

Lúa đưa từ kho thóc trên nương về, người Mảng dùng chân vò để lấy thóc.


Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên một bộ phận người Mảng vẫn phụ thuộc vào nguồn cứu trợ của Nhà nước.

Hiện nay, người Mảng cũng đã định canh, định cư, ở một số nơi người Mảng đã biết khai hoang diện tích trồng lúa nước, nhưng số lượng không nhiều. Do kỹ thuật canh tác và chăm sóc còn hạn chế nên năng suất và sản lượng thấp. Vì thế, đời sống của người dân còn rất khó khăn.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
Làm giàu từ V.A.C khép kín
Làm giàu từ V.A.C khép kín

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân Khmer ở Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN