Làng Klot có hơn trăm hộ, với 500 nhân khẩu đều là người dân tộc J'rai, đã định canh định cư từ lâu. Quỹ đất canh tác của làng khá lớn, nhưng trước đây bà con bỏ hoang hóa. Một số diện tích đất đồi cũng chỉ trồng các loại cây truyền thống như lúa rẫy, sắn, ngô... còn đất vườn thì có nhiều nhà bỏ trống hoặc trồng các loại cây tạp. Sản phẩm làm ra thấp, chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày, vào những năm mất mùa, dân làng thiếu ăn giáp hạt đến vài ba tháng.
Cách đây 7 năm (năm 2008), gia đình ông Drung Yuir cũng nghèo khó như bao gia đình khác trong làng. Tuy nhiên ông đã sớm mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Ông Drung Yuir đã đi nhiều nơi để học tập những tiến bộ về ứng dụng vào sản xuất. Điểm đến đầu tiên của ông là vùng chuyên canh cây cà phê ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai. Qua tìm hiểu, ông thấy cây cà phê phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của làng Klot, thu nhập từ cây cà phê lại cao.
Ông Drung Yuir bàn bạc với vợ con và quyết định vay vốn, mượn thêm tiền trong bà con dòng tộc để cải tạo lại vườn đồi, đưa vào trồng cây cà phê. Năm đầu tiên, ông trồng thử 5 sào và thấy có kết quả rõ rệt, cây trồng phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Từ đó ông dần mở rộng diện tích lên đến gần 2 ha. Đất không phụ công người, đến năm thứ 3, vườn cà phê nhà ông trĩu quả và liên tục những năm kế tiếp năm nào cũng bội thu không dưới 50 triệu đồng (đã trừ đi các khoản chi phí). Theo đà phát triển cây cà phê, ông dần từng bước cải tạo lại 5 sào lúa nước 2 vụ có thuận lợi về nguồn nước, đào ao thả cá, nuôi 7 con bò sinh sản.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Drung Yuir cùng với già làng đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn chuyển dịch cây trồng và nhất là cây cà phê. Ông cũng tận tình hướng dẫn lại quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho người dân trong làng. Ai có nhu cầu trồng cà phê mà thiếu vốn, vợ chồng ông cho mượn không tính lãi, thậm chí giúp công trồng và chăm sóc. Cây cà phê ở làng Klot ngày càng tăng, trải dài một màu xanh bạt ngàn, khẳng định sự vươn lên ấm no trong cuộc sống. Từ chỗ cả làng có hơn 50% số hộ nghèo vào năm 2010, đến nay giảm xuống còn khoảng 20%.