Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La đón Tết khi tiết trời vùng cao còn chìm trong sương mù, lạnh giá. Đây cũng là dịp để phụ nữ Mông khoe trang phục truyền thống đặc sắc và trổ tài nội trợ. Người già thì cùng nhau uống rượu ngô, thăm hỏi, chúc tụng nhau trong ngày đầu năm mới mọi sự tốt lành. Thiếu nữ Mông trong trang phục truyền thống. |
Chị Giàng Khánh Ly, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) giải thích: Nhìn vào trang phục của phụ nữ là người ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các nhóm trong dân tộc Mông. Phụ nữ Mông Trắng mặc váy màu trắng đặc trưng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Họ thường cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành. Còn phụ nữ dân tộc Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Họ để tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả (lông đuôi ngựa). Phụ nữ dân tộc Mông Ðen mặc váy đen nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực. Nếu là phụ nữ dân tộc Mông Xanh, khi đã có chồng thì cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng. Họ trang trí trên y phục chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.
Phụ nữ Mông chọn vải để may trang phục. |
Còn trang phục nam giới, nổi bật là chiếc quần xanh sĩ lâm ống rất rộng, đũng trễ so với các tộc khác trong vùng, đầu thường chít khăn tổ ong màu trắng, áo cánh ngắn ngang thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Hành trang của đàn ông dân tộc Mông bao giờ cũng có chiếc khèn, được chế tác từ 6 ống nứa ghép với nhau qua 1 chiếc bầu gỗ. Chiếc khèn có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc Mông. Trước đây, nó là công cụ “gọi hồn” để người chết biết tìm đường về với tổ tiên, họ hàng. Bây giờ chiếc khèn còn là thứ nhạc cụ để múa hát trong những ngày lễ hội, Tết cổ truyền và là phương tiện để tỏ tỉnh đối với chàng trai dân tộc Mông.
Anh Tráng A Chứ, ở xã Vân Hồ, nói vui: “Đồng bào dân tộc Mông coi chiếc khèn như người bạn tâm tình, đặc biệt là những ngày Tết. Thanh niên dân tộc Mông ai cũng biết thổi, nếu chưa biết thổi khèn thì coi như chưa phải là đàn ông dân tộc Mông đích thực”.
Bài và ảnh: Điêu Chính Tới