Dự án bảo tồn buôn cổ Buôr (tỉnh Đắk Nông) đã được triển khai trong 6 năm qua, nhưng hiệu quả hầu như không có, những giá trị văn hóa đặc sắc của buôn Buôr cũng như của đồng bào Êđê nơi đây đang đứng trước nguy cơ biến mất…
Nhà dài của đồng bào Êđê tại buôn Buôr đang cần được sớm bảo tồn. |
Nằm nép mình bên dòng sông Sêrêpốk hiền hòa, với hơn 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê, cách đây hơn 6 năm, buôn Buôr, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là buôn cổ của đồng bào Êđê, cần được giữ gìn và phát huy.
Hơn 6 năm đã trôi qua, nhưng việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của buôn Buôr vẫn chỉ là “dự án”. Do chưa được đầu tư bảo tồn, nên các công trình văn hóa có giá trị của buôn cũng đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và đồng bào Êđê nói riêng, những ngôi nhà dài không chỉ đơn giản là nơi sinh hoạt, mà là sự sống, là linh hồn, là bản sắc của dân tộc, nên chúng được bảo quản, sử dụng và làm nhà ở theo kiểu kiến trúc nhà dài vô cùng độc đáo. Đồng bào Êđê ví nhà dài như tiếng chiêng ngân, là tiếng của thần linh và cũng là chốn thần linh hiện hữu… Thế nhưng, hệ thống nhà dài của buôn Buôr đang xuống cấp và ngày càng ít đi. Một người dân của buôn chia sẻ: “Giờ nhà cổ dài nguyên bản ít, xuống cấp nặng nề, giếng cổ thì không có nước, cây đổ xuống không ai sử dụng, cũng không thấy chính quyền xuống giải quyết”.
Đồng bào buôn Buôr vẫn phải làm nương, rẫy, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn đủ đường, ngay nước sinh hoạt cũng thiếu. Dù buôn đã có nước sạch, nhưng do đường ống bị hỏng, nên người dân vẫn phải bỏ tiền ra khoan giếng lấy nước sử dụng, mỗi giếng khoan ở đây hết gần 13 triệu đồng. Cũng tại buôn Buôr, ngày ngày, những người trẻ và phụ nữ vẫn miệt mài gùi lọ nhựa đi lấy nước mạch từ trên núi, mỗi lần đi hết 30 phút mới về đến nhà. |
Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Trường, cán bộ văn hóa xã Tâm Thắng, cho biết: Hiện buôn Buôr còn hơn 10 nhà dài truyền thống, nhưng mới chỉ trùng tu được 3 ngôi nhà, vì thiếu nguyên vật liệu. Còn trưởng buôn Yba Êban, thì chia sẻ: “Đồng bào ở đây giờ không lợp mái nhà dài bằng lá nữa, mà thay bằng ngói, bằng tôn... Do gỗ cũng không còn nhiều, nên nhiều nhà cổ bị hư hại, người dân phải xây bằng gạch bao quanh thay cho gỗ”. Việc thay thế này đã làm mất đi những giá trị truyền thống vốn có cũng như nét đẹp nguyên bản của những ngôi nhà dài trong buôn.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội như lễ cúng bến nước, lễ mừng cơm mới, lễ rước K’Pan giờ cũng dần mai một đi, do người dân không còn tổ chức lễ hội nữa.
Cũng theo trưởng buôn Yba Êban, trước đây, phòng văn hóa huyện còn mở các lớp dạy cồng chiêng, hát dân ca Aray, chế tác nhạc cụ, dạy thổ cẩm... nhưng vì nhiều lý do mà giờ thì không thấy mở lớp nữa. Nghệ nhân H’rơyam dạy thổ cẩm, chia sẻ: “Trước đây hàng năm đều có các lớp dạy dệt thổ cẩm, mỗi lớp khoảng 30-35 học viên. Được giảng dạy và truyền đạt lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình ta vui lắm. Nhưng do học dệt rồi tự làm sản phẩm thì không có ai mua, nên dần dần không ai đi học nữa, những người trẻ cũng không có ai dệt nữa. Mặc dù vậy, đối với đồng bào Êđê tại đây, hầu như nhà nào cũng có khung cửi để dệt thổ cẩm, chủ yếu là người già trong gia đình dệt. Chính vì không có đầu ra, nên người dân ở đây họ dệt để phục vụ cho chính gia đình và các lễ hội”.
Bày tỏ sự lo lắng với nguy cơ mai một những giá trị độc đáo của buôn cổ, ông Ysiêk Bya, Trưởng ban Mặt trận buôn Buôr, chia sẻ: Nét văn hóa truyền thống cổ xưa của buôn làng ngày càng bị mai một, chỉ mong sớm có dự án trùng tu khôi phục cứu lấy các nhà cổ, đồng thời xây dựng một con đường liên thôn và tu sửa lại hệ thống cung cấp nước sạch để đồng bào bớt khổ. Người dân nơi đây cũng rất mong văn hóa dân tộc mình càng được nhiều người biết đến và thu hút khách du lịch đến với buôn.
Bài và ảnh: Lang Hường