Giao tranh vẫn tiếp diễn tại Cốt Đivoa

Các nhân chứng tại thủ đô Abigiăng của Cốt Đivoa ngày 7/4 cho biết lại nghe thấy những tiếng nổ lớn và tiếng súng máy hạng nặng xung quanh dinh tổng thống và tư dinh của Tổng thống thất cử Cốt Đivoa Laurent Gbagbo, nơi ông Gbagbo đang phải cố thủ trong boongke ngầm dưới lòng đất.

Phóng viên hãng AFP có mặt tại Abigiăng đưa tin, 10 chiếc xe bọc thép chở các binh lính Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hiện đang tuần tra ở vùng ngoại ô Plateau, thành trì của ông Gbagbo. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet cho biết, Tổng thống thất cử Gbagbo hiện có “gần 1.000 quân” tại Abigiăng, trong đó khoảng 200 quân đang tập trung tại dinh thự của ông này.

Lực lượng ủng hộ Tổng thống đắc cử A.Ouattara tiếp nhiên liệu cho xe tăng trước khi tấn công dinh thự của ông L.Gbagbo. Ảnh: internet


Cũng trong ngày 7/4, binh sỹ Pháp đã giải cứu thành công Đại sứ Nhật Bản tại Cốt Đivoa Okamura Yoshifumi cùng 7 nhân viên trợ lý sau nhiều giờ giao tranh với lực lượng ủng hộ ông Gbagbo. Trước đó, dinh thự của đại sứ Yoshifumi đã bị binh lính ủng hộ ông Gbagbo vây hãm.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cùng ngày cho biết, Ixraen đã đề nghị Pháp giúp sơ tán các nhà ngoại giao của nước này tại Cốt Đivoa. Ông Juppe cũng nhận định sự ra đi của Tổng thống thất cử Gbagbo là không thể tránh khỏi, song không cho biết điều này sẽ xảy ra trong vài giờ hay vài ngày tới.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 7/4 cho biết, Mátxcơva không dám chắc một chính quyền mới tại Cốt Đivoa có mang lại sự ổn định cho quốc gia Tây Phi này hay không. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevich, nhấn mạnh: “Cưỡng bức thay đổi quyền lực chưa chắc đồng nghĩa với việc ổn định, hòa bình và dân chủ sẽ đến với đất nước Cốt Đivoa”.

Ngày 7/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình công dân Việt Nam tại Cốt Đivoa trong bối cảnh xung đột và bạo lực gia tăng tại quốc gia này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống tại Cốt Đivoa. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Marốc kiêm nhiệm Cốt Đivoa và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong khu vực khẩn trương nắm thông tin về số lượng và tình hình công dân tại Cốt Đivoa để kịp thời có hỗ trợ cần thiết”.

H.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN