Kỳ 2: Những "người lính" trong cuộc chiến chống bệnh sởi
Sởi dù là bệnh thông thường nhưng đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ là nỗi đau không chỉ của các gia đình mà của toàn xã hội. Đặc biệt là những y, bác sỹ dù đã rất quyết tâm giành sự sống cho bệnh nhân nhưng vẫn phải bất lực nhìn sinh mạng của những đứa trẻ thơ ngây rơi vào tay tử thần.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. |
Điều ghi nhận trong những ngày dịch tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Xanh Pôn là công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân sởi tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế các y bác sĩ đang phải chịu áp lực rất lớn. Họ phải chăm sóc điều trị cho các bệnh nhi còn rất nhỏ, mới được mấy tháng tuổi chưa biết nói, chỉ biết khóc khi bị những con vi rút sởi gặm nhấm, giày vò. “Nếu như người lớn mắc bệnh họ nói được chỗ đau, sự khó chịu trong người của mình để các bác sĩ biết hướng điều trị. Còn các bệnh nhi chỉ biết quằn quại, khóc lóc, mắt mũi kèm nhèm, họng ngứa ho mất hết tiếng, da mẩn đầy mụn đỏ rất đáng thương”, chị Phạm Thị Hạnh, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chia sẻ.
Chị Hạnh đã làm công tác điều dưỡng được 12 năm tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, với công việc chủ yếu là chăm sóc người bệnh như bệnh nhân tả, chân - tay - miệng, HIV… Năm nay, bệnh nhân mắc sởi nặng, phần lớn là các em nhỏ nên trong quá trình chăm sóc, điều trị gặp không ít khó khăn. Nhưng với lòng yêu nghề sâu sắc, chị Hạnh đã cố gắng miệt mài học hỏi và tận tình chăm sóc cho các bệnh nhi bị sởi. Chị coi các bệnh nhi như con mình “bệnh nhân đau như mình bị đau, đã không ăn uống được lại còn sốt cao liên tục thấy vậy mình xót lắm”. Từ khi dịch sởi xảy ra, số lượng bệnh nhân đông chị luôn đi sớm về muộn, trưa đến chị quên ăn, không dám đi đâu ra khỏi khoa Truyền nhiễm, chỉ quanh quẩn ở mấy phòng cấp cứu bệnh nhân sởi nặng. Chị sợ nếu ra ngoài nhỡ đúng lúc các bé lên cơn co giật cần cấp cứu nhanh chóng mà mình không có mặt thì chị sẽ ân hận khôn nguôi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố thăm bệnh nhi mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. |
Khi được hỏi về những điều đọng lại trong quá trình chăm sóc bệnh nhân sởi, chị Hạnh rưng rưng nước mắt kể lại: “Khoảng 18 giờ 30 ngày 18/4/2014 cả ê kíp không chỉ có tôi mà còn có bác sĩ Nguyệt, chị Vân Anh và nhiều điều dưỡng khác đang tất bật hoàn thành nốt công việc của ca trực để về nhà nghỉ ngơi thì bác sĩ hô cấp cứu cho bệnh nhân Mai Hà Vi. Thế là chúng tôi bỏ việc dở dang, chạy nhanh đến hỗ trợ ê kíp thực hiện cấp cứu. Trước ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh chỉ trong gang tấc, tôi tưởng rằng 100% cháu không thể qua khỏi. Bởi, người bệnh nhân tím tái, sùi bọt mép, mắt mũi trợn lên. Nước mắt tự nhiên ứa ra, cuống quá không chờ đợi máy hút đờm dãi khởi động, tôi nhanh tay bỏ khẩu trang ra dùng miệng hút dịch đờm trong mũi của cháu bé ra để bệnh nhân có thể thở được. Sau một tiếng cấp cứu, mỗi người một chân một tay, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm và dần hồi phục”.
Trước đó không lâu, bé Mai Hà Vi, 9 tháng tuổi trú tại 168 Sơn Tây, phường Quang Trung, quận Đống Đa được thử phản ứng của kháng sinh. Khoảng một tiếng sau, bệnh nhân đang chơi ngoan bình thường thì bị sốc phản vệ. Hà Vi đã được cấp cứu và xử lý kịp thời bằng chính nghĩa cử cao đẹp không ngần ngại của điều dưỡng Hạnh. Hà Vi nhận được sự chăm sóc và điều trị tận tình của đội ngũ y bác sĩ nên hai hôm sau bệnh nhân đỡ và được ra viện.
Không chỉ Hà Vi mà rất nhiều bệnh nhi khác đang được chăm sóc và điều trị bệnh sởi rất chu đáo. Chị Hoàng Thị Mai Anh mẹ của bé Nguyễn Tường Lam sinh năm 2013 đang được điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã gửi tâm thư cảm ơn sâu sắc đến toàn thể cán bộ, y tá, điều dưỡng, hộ lý khoa Truyền nhiễm của bệnh viện rất nhiệt tình, tận tâm, chu đáo và giúp đỡ cháu trong suốt quá trình nằm viện.
Tiến sĩ Lê Hưng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y bác sĩ trong viện. Đặc biệt là hành động vì bệnh nhân của điều dưỡng Hạnh, coi đó làm tấm gương sáng để mọi người noi theo trong công tác cứu chữa kịp thời bệnh nhân.
Với quyết tâm cao nhất dập tắt dịch sởi để các bệnh nhi không phải chịu đau đớn từ những con vi rút sởi. Đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm không quản ngại khó khăn đã chăm sóc, điều trị chu đáo cho bệnh nhi mắc sởi.
Tuyết Mai - Hạnh Vân