Nhờ có TCMR, hàng năm, chúng ta đã bảo vệ được cho hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị tử vong bởi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phòng tránh cho nhiều thai phụ khỏi những căn bệnh có thể lây nhiễm sang thai nhi.
Phòng bệnh trên diện rộng
“Không có TCMR thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Những thập kỷ trước, bệnh nhân mắc bạch hầu, ho gà, uốn ván vào bệnh viện cấp cứu rất nhiều, tử vong rất lớn, người dân ít biết đến thông tin này là do ngày đó, truyền thông không phủ rộng như bây giờ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Trẻ tiêm vắcxin Pentaxim tại Trung tâm y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh. |
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án TCMR, cũng cho biết: “Nhờ có TCMR, hàng năm, hơn 1,5 triệu trẻ em được tiêm chủng phòng 10 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất và gần 1,6 triệu phụ nữ có thai được tiêm phòng vắcxin uốn ván. Chúng ta đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan virút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước khi triển khai tiêm chủng (trước những năm 1980)”.
Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi 8 loại vắcxin (đạt trên 90%), nỗ lực triển khai các mũi tiêm nhắc vắcxin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván; vắcxin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Tiếp tục triển khai tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 1 - 5 tuổi hàng tháng nhằm chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản kịp thời. Tăng cường tỷ lệ tiêm vắcxin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ sau sinh nhằm phòng chống bệnh viêm gan B mạn tính ở trẻ nhỏ...
Tín hiệu đáng mừng là sau những nỗ lực tuyên truyền về lợi ích tiêm chủng của ngành y tế, các bà mẹ có xu hướng đưa trẻ đi TCMR nhiều hơn. Thống kê cho thấy, ngay vắcxin TCMR có “điều tiếng” về một số tai biến như Quinvaxem (vắcxin 5 trong 1) thì cũng có tới 92% trẻ trong độ tuổi được tiêm, chỉ có 8% trẻ là tiêm vắcxin dịch vụ. Trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ đã chia sẻ về việc cần phải đưa trẻ đi TCMR, không nên chờ vắcxin dịch vụ vì có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm. Thực tế, ngoài một số ít trẻ bị phản ứng nặng, sốt cao thì nhiều trẻ tiêm vắcxin Quinvaxem chỉ bị phản ứng sưng, sốt nhẹ thông thường.
Chú trọng tăng cường chất lượng
“Ngành y tế luôn nỗ lực và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan để duy trì thành quả tiêm chủng đã đạt được nhằm dự phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tăng cường chất lượng tiêm chủng, sự tiếp cận TCMR tại vùng sâu, vùng xa cũng là vấn đề ưu tiên mà dự án luôn quan tâm. Chúng tôi cũng luôn chú trọng công tác truyền thông về TCMR để bà mẹ và cộng đồng hiểu được sự an toàn và lợi ích của TCMR”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Đặng Đức Anh, vấn đề an toàn tiêm chủng luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác TCMR. Để đảm bảo chất lượng vắcxin từ khi tiếp nhận đến khi tiêm chủng, hàng năm, Dự án TCMR thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống dây chuyền lạnh tại các tuyến bao gồm việc cấp bổ sung hoặc thay mới các thiết bị đã sử dụng lâu năm, đồng thời duy trì tập huấn cho cán bộ làm tiêm chủng, đặc biệt là những người trực tiếp theo dõi và bảo quản vắcxin.
Đặc biệt, dự án đang từng bước triển khai các vắcxin mới trong chương trình. Nhằm đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới, được sự cho phép của Bộ Y tế, trong năm 2016, Việt Nam sẽ triển khai vắcxin bại liệt tiêm cho trẻ 5 tháng tuổi. Dự án TCMR tiếp tục thu hút sự viện trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) để triển khai các vắcxin mới và tăng cường độ bao phủ các vắcxin trong TCMR. Năm 2016, đề xuất GAVI hỗ trợ triển khai chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh vêm não Nhật Bản cho trẻ em. Một số vắcxin mới như vắcxin phòng bệnh tiêu chảy do Rota virus, vắcxin phế cầu phòng bệnh viêm phổi... cũng đang được xem xét để có thể đưa vào Chương trình TCMR trong tương lai.
“Kinh phí Nhà nước cấp cho Chương trình TCMR các tuyến còn rất hạn chế, hơn 70% kinh phí ngân sách nhà nước dành cho cung ứng vắcxin và vật tư tiêm chủng, chỉ hỗ trợ tiền công tiêm cho cán bộ tiêm chủng; thiếu kinh phí cho hoạt động tập huấn, giám sát, hỗ trợ vận chuyển vắcxin từ cơ sở y tế đến các điểm tiêm chủng ngoại trạm, cũng như kinh phí truyền thông, huy động cộng đồng và điều tra đối tượng...”. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương |