Tại các trạm y tế, nơi triển khai các hoạt động TCMR chính trên địa bàn, những cán bộ làm công tác TCMR thường phải đảm nhiệm rất nhiều công việc như: Phòng chống dịch bệnh, chương trình HIV, phòng chống lao, dân số... Với riêng công tác tiêm chủng, họ phải đảm bảo các công việc từ quản lý đối tượng tiêm chủng, vận động đưa trẻ đi tiêm, đến tổ chức các buổi tiêm chủng, theo dõi sau tiêm...
Điều dưỡng Hồng Vân, phụ trách tiêm chủng tại Trạm Y tế phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Mỗi nhân viên phụ trách tiêm chủng thường phải đảm nhận từ 2 - 3 chương trình của trạm y tế. Dù nhân viên y tế được tập huấn nhiều hơn, có nhiều kỹ năng để tạo sự an tâm cho người dân khi đưa con đến tiêm chủng hơn nhưng áp lực vẫn đè nặng lên vai, bởi ngày càng có nhiều loại vắcxin hơn và nhu cầu của người dân cao hơn...”.
Nhắc lại thời điểm người dân "quay mặt" với TCMR cách đây khoảng 2 năm trước, điều dưỡng Hồng Vân kể: “Đó quả thực là những ngày khó khăn với cả cán bộ tiêm chủng, dù chúng tôi tuân thủ đúng quy trình nhưng vẫn thấy run sau mỗi buổi tiêm chủng. Chỉ tiêu đưa ra là trạm y tế phải đạt 90% trẻ được tiêm chủng. Thế nhưng lúc đó, người dân lo sợ, không dám đưa con đi TCMR mà chỉ muốn đợi vắcxin dịch vụ. Chúng tôi phải làm đủ mọi cách như vận động, gửi thư mời, tuyên truyền cho người dân hiểu về sự an toàn của vắcxin TCMR. Lắm khi còn phải mượn sổ của những người đưa con đi tiêm dịch vụ để chép lại nhằm đảm bảo trẻ được tiêm đầy đủ các mũi vắcxin”.
Cùng chung tâm trạng, y sĩ Dương Thị Bé Một, Trạm Y tế Phước Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Làm công tác tiêm chủng đến nay cũng 32 năm rồi nhưng vào thời điểm xảy ra một vài sự cố tiêm chủng, tôi cũng cảm thấy rất lo lắng, cơ địa mỗi bé mỗi khác nên mình không thể nào đoán trước được các tai biến. Mỗi ngày tiêm xong mà không thấy người dân gọi điện thoại hay tới nói gì về tình trạng của bé tiêm ngừa thì mới thở phào nhẹ nhõm”.
Áp lực và cực nhọc là thế nhưng cuộc sống của những người làm công tác tiêm chủng vẫn còn không ít khó khăn. Chị Hồng Vân tâm sự: “Làm việc tại trạm y tế đến nay đã 10 năm nhưng tổng thu nhập của tôi chỉ được khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng; số tiền đó sao có thể đủ chi trả cho cuộc sống đắt đỏ này”.
Chia sẻ về nghề, chị Nguyễn Thị Diệu Huệ, cán bộ chuyên trách TCMR, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Công tác vận động tuyên truyền cho người dân hiểu biết về lợi ích của việc tiêm chủng tưởng như đơn giản nhưng thực tế không dễ dàng chút nào. Trong gần 30 năm công tác, tôi đã gặp nhiều trường hợp người dân thờ ơ với việc tiêm chủng do bận làm ăn, gia đình không có phương tiện đưa trẻ đi, quên... Không ít lần đi giám sát tại huyện, tôi gặp trường hợp trẻ sốt thông thường sau khi tiêm chủng, nhưng gia đình lại bức xúc: “Tiêm chủng không có thấy lợi gì cả mà chỉ thấy trẻ bệnh sau tiêm...”.
Để tránh những suy nghĩ trái chiều về TCMR sau những sự cố tai biến, ngành y tế địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục truyền thông phối hợp với chương trình TCMR, Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện những phim phóng sự, những buổi tọa đàm, trả lời hỏi đáp của người dân trên đài truyền hình, đài phát thanh về chuyên đề TCMR. Đồng thời, cán bộ trạm y tế xã/phường phải thường xuyên thông tin, giải thích cho người dân về những vấn đề liên quan đến TCMR.
Ở vùng đồng bằng, các thành phố, làm công tác tiêm chủng đã khó thì ở miền núi vùng cao như tỉnh Lai Châu còn khó hơn gấp bội. Chị Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cho biết: “Trên 90% dân số Lai Châu là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại các triền núi cao, giao thông đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa, nhiều xã, bản bị chia cắt. Do đó, quá trình tiếp cận tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi TCMR rất vất vả, 1 đội tiêm chủng lưu động có khi phải đi quá nửa ngày đường mới đến được điểm tiêm, mà cũng chỉ phục vụ vài có trẻ. Những khi đến điểm tiêm không gặp người dân, cán bộ tiêm chủng phải phối hợp với già làng, trưởng bản đến tuyên truyền vận động từng nhà, thậm trí lên cả nương để vận động người dân đưa con về tiêm, tổ chức tiêm cả buổi tối cho phù hợp với công việc của người dân...”.
“Do giao thông đi lại khó khăn, nên cán bộ làm công tác tiêm chủng thường phải đi công tác lưu động dài ngày, ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, gia đình nhất là cán bộ nữ. Trong khi đó, khác với các bác sĩ tại các bệnh viện, chúng tôi không có nguồn thu nhập thêm ngoài lương; phụ cấp lưu động thấp, phải sử dụng cả lương để đi công tác nên đời sống gặp không ít khó khăn”, chị Liên trải lòng.
Vậy nên, cũng giống như nhiều người làm công tác tiêm chủng khác, chị Liên mong muốn sớm có chế độ hỗ trợ thỏa đáng cho cán bộ chuyên trách, cán bộ tham gia tiêm chủng, nhất là cán bộ làm tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cũng cần có chế độ hỗ trợ cho cộng tác viên trong công tác điều tra, nắm đối tượng, tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng tại các xã vùng khó khăn.