Thưa ông, dư luận xã hội đang rất lo ngại về diễn biến bất thường của dịch SXH và đặt câu hỏi “Ngành Y tế đã làm gì để cùng các địa phương khống chế tình hình”?
Xác định 2016 là năm nằm trong chu kỳ tăng của dịch SXH, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã rất quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Bộ liên tiếp gửi văn bản đến các tỉnh, thành phố về tăng cường triển khai công tác phòng chống SXH. Tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và công tác phòng chống dịch bệnh do virút Zika, SXH...
Đặc biệt, Bộ Y tế liên tục thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh trọng điểm. Tháng 3/2016, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do virút Zika và SXH tại 16 tỉnh, thành phố. Tháng 7/2016, Bộ Y tế tiếp tục thành lập 8 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống SXH tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Đến nay, đã đi kiểm tra tại các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước. Trong tháng 8/2016, các đoàn sẽ tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch tại 15 tỉnh, thành phố: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Có sự vào cuộc quyết liệt đó, số mắc và tử vong do SXH đến thời điểm này thấp hơn so với những năm nằm trong chu kỳ tăng của dịch. Đơn cử, năm 2010 có số mắc cao nhất với 128.710 ca mắc, 109 tử vong. Năm 2015 là năm tiếp theo của chu kỳ dịch mới có số mắc cao 97.484 ca mắc, 62 ca tử vong. Còn từ đầu năm 2016 đến nay, ghi nhận 49.000 ca mắc, 17 ca tử vong.
Tuy nhiên, phòng chống dịch bệnh còn đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân và nhất là chính quyền địa phương. Ở đâu chính quyền lơ là đầu tư, chỉ đạo công tác y tế thì ở đó tình hình dịch thường “nóng” hơn, hậu quả cũng nặng nề hơn.
Vậy tới đây, ngành sẽ có giải pháp gì đặc biệt hơn để hỗ trợ các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch SXH, thưa ông?
Để tăng cường công tác phòng chống SXH, lần đầu tiên, Bộ Y tế đã cấp 2 tỷ đồng cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, triển khai tập huấn giám sát, điều trị, truyền thông phòng chống SXH. Bộ Y tế cũng đã vận động một dự án quốc tế hỗ trợ 40.000 USD cho các tỉnh Tây Nguyên triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Đồng thời, cấp bổ sung 1.200 lít hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH cho 4 tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo không thiếu hóa chất phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai công tác kiểm tra hoạt động phòng chống SXH tại 18 tỉnh trọng điểm. Đẩy mạnh việc tổ chức chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng phòng chống SXH và Zika”. Triển khai mạnh các hoạt động truyền thông, vận động người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết…
Với các giải pháp đó, liệu có sớm khống chế được dịch bệnh SXH không, thưa ông?
Tình hình SXH từ nay đến cuối năm còn nhiều nguy cơ gia tăng và lan rộng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Nhưng nếu các địa phương cùng chủ động triển khai các giải pháp thì sẽ giảm mức tăng ca bệnh cho đến hết mùa mưa (khoảng tháng 11/2016). Muốn vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương cần chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh SXH. Đặc biệt, cần đầu tư kinh phí, tăng cường chỉ đạo, huy động các lực lượng liên ngành tham gia chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy, hủy bỏ các vật phế thải có thể trữ nước đọng ngay tại các hộ gia đình, cụm dân cư và các trụ sở làm việc…
Xin cảm ơn ông!