Bệnh viện quá tải vì dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 49.000 ca mắc tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 ca tử vong. Số ca mắc có xu hướng tăng và nguy cơ lan rộng tại một số tỉnh, thành khu vực miền Nam, miền Trung và đặc biệt tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông).

NGUY CƠ LÂY LAN RỘNG

Nhiều cơ sở y tế đang ở trong tình trạng quá tải vì số ca mắc SHX tăng cao nhưng người dân và chính quyền một số địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. 

Bệnh nhi phải nằm hành lang

Là một trong những điểm nóng về dịch SXH từ đầu năm nhưng những tuần gần đây, số ca bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn tăng mạnh, trung bình khoảng 200 ca nhập viện mỗi tuần.    

 Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh đều ở trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhi phải nằm dọc các hành lang của khoa. Trong phòng bệnh, một số bệnh nhi phải nằm ghép 2 cháu/giường dù trước đó, các cơ sở y tế đã kiên quyết thực hiện không để bệnh nhân phải nằm ghép.

Tại khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang vì quá tải.

Ôm con nhỏ nằm ngoài hành lang Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi, ngụ ở Bà Điểm - Hóc Môn chia sẻ: “Cháu nhà tôi bị SXH, nằm ở bệnh viện Hóc Môn được mấy ngày thì được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Do bệnh nặng nên bé nằm ở phòng hồi sức hơn nửa tháng. Giờ tình trạng đỡ hơn nên được bác sĩ cho chuyển xuống phòng điều trị. Tuy nhiên, phòng bệnh quá đông, tạm thời tôi phải cho bé nằm hành lang để chờ xếp phòng”.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Bích Vân (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) cũng cho biết, bé nhà chị Vân bị sốt 2 ngày và nôn ói, khi gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì bác sĩ cho biết cháu mắc SXH. Nhưng vì quá đông bệnh nhi, nên 3 ngày nay, 2 mẹ con chị Vân phải nằm ngoài hành lang.

Theo thống kê Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 9.301 ca SXH; trong đó, có 2 ca tử vong. Riêng từ ngày 29 - 4/8, thành phố ghi nhận 256 ca, tăng 20% so với tuần trước.

Điều đáng lo ngại, với số ca mắc tăng cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phải là “điểm nóng” nhất về SXH trong cả nước. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên ghi nhận hơn 7.400 ca mắc SXH, chiếm 15,1 % số mắc cả nước. So với cùng kỳ 2015, số mắc tăng 14 lần và tăng cao đột biến từ tháng 6 đến nay. Đặc biệt, số mắc tập trung chủ yếu tại tỉnh Gia Lai (43% số mắc khu vực), Đắk Lắk (24%). Trong số 17 ca tử vong cả nước thì có 4 ca tại Tây Nguyên. 

Lơ là diệt muỗi, bọ gậy

Ngành y tế lý giải, sở dĩ dịch SXH năm nay “nóng” hơn thường lệ là do  2016 nằm trong chu kỳ tăng của dịch, cứ 4 - 5 năm lại có một đợt dịch lớn. Riêng 4 tỉnh Tây Nguyên, tình hình phức tạp hơn do đang bước vào mùa mưa. Năm nay xảy ra hạn hán trên diện rộng, các hộ gia đình tăng trữ nước vào các dụng cụ chứa nước nhưng không đậy nắp, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành SXH trong những năm qua nên miễn dịch của quần thể ở mức thấp, khi xuất hiện dịch thì sẽ lây lan và bùng phát nhanh....

Trong quá trình thị sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Tây Nguyên, các thành viên trong đoàn kiểm tra của Bộ Y tế rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong vườn, trên các lối đi lại có quá nhiều chai lọ, chum vại, đặc biệt là lốp xe công nông cũ... chứa nước đọng nên đã tạo cơ hội cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc ít người, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thậm chí không kịp thời đến điều trị tại cơ sở y tế khi đã mắc bệnh.

Số ca SXH tăng mạnh nhưng sự vào cuộc của chính quyền, các cấp và các ban, ngành đoàn thể và người dân trong việc phòng chống dịch tại nhiều địa phương chưa thật chủ động. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: Nếu người dân không tự thu gom lốp xe cũ thì chính quyền cần chủ động tổ chức xử lý bằng cách huy động thêm sự tham gia các tổ chức đoàn thể. Nhưng không, chỉ sau khi Đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra, yêu cầu thì các tỉnh mới ban hành văn bản, tăng cường sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể... Kinh phí cấp cho công tác phòng chống dịch của các địa phương vì vậy cũng rất hạn chế.

BS Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum, cũng cho biết, ngành y tế đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch nhưng một bộ phận người dân vẫn lơ là, không tự phòng cho gia đình bằng cách chủ động diệt muỗi và bọ gậy. Một số người dân dù được thông báo phun thuốc diệt muỗi nhưng không hợp tác với nhân viên y tế, kiên quyết không mở cửa. Mặt khác, chính quyền các cấp đã vào cuộc nhưng công tác kiểm tra, giám sát các ổ dịch còn hạn chế…

Để phòng chống dịch SXH hiệu quả, nhiều chuyên gia y tế khẳng định, quan trọng nhất là phải diệt muỗi, bọ gậy. Khi đã có bệnh nhân SXH thì việc phun hóa chất chỉ là giải pháp tình thế. Muỗi truyền bệnh SXH sẽ tiếp tục phát triển nhanh nếu mỗi hộ dân, mỗi trụ sở làm việc không xử lý triệt để các vật dụng chứa nước đọng nhằm diệt hết bọ gậy, chính là muỗi truyền bệnh sau này. Do đó, chỉ khi chính quyền địa phương, nhất là người dân cùng vào cuộc chống dịch thì mới giảm được ca bệnh và khống chế dịch SXH lây lan.  
Phương Liên, Đan Phương, TTN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN